Nghiên cứu COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B

PV-Thứ ba, ngày 03/05/2022 10:46 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Bộ Y tế đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, rà soát các quy định pháp luật và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

F0 cả nước tiếp tục giảm sâu, 10 tỉnh, thành không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới

Theo thông tin của Bộ Y tế, ngày 2/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.123 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 3.122 ca ghi nhận trong nước (giảm 595 ca so với ngày trước đó) tại 53 tỉnh, thành phố (có 2.615 ca trong cộng đồng). Trong ngày qua chi có 53 tỉnh, thành ghi nhận ca mắc mới, cao nhất vẫn là Hà Nội với hơn 700 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.656.649 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.717 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.648.899 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.587.690), TP. Hồ Chí Minh (608.476), Nghệ An (481.842), Bắc Giang (385.296), Bình Dương (383.418).

Nghiên cứu COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B - Ảnh 1.

Bộ Y tế cho biết đến nay còn hơn 1,3 triệu người mắc COVID-19 đang theo dõi, điều trị; trong đó 475 ca nặng.

Tổng số người mắc COVID-19 ở nước đã khỏi là 9.265.456 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.348.151 trường hợp, trong đó có 475 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 376; thở ô xy dòng cao HFNC: 50; thở máy không xâm lấn: 11; thở máy xâm lấn: 36; ECMO: 2.

Nghiên cứu xem COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B

Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, rà soát các quy định pháp luật và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Theo Bộ Y tế, tại nước ta, dịch bệnh COVID-19 vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước, tuy nhiên dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể xảy ra làm cho diễn biến dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất.

Hơn 5.800 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trì hoãn tiêm vaccine phòng COVID-19

Ngày 2/5, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến hết ngày 29/4, tổng số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19 là 232.100 trẻ, tổng số trẻ hoãn tiêm là 5.857 trẻ, số chuyển viện tiêm là 629 trẻ ( trước đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, số trẻ trì hoãn tiêm là do bị ốm, sốt, vừa mắc COVID-19 chưa đủ 3 tháng...).

Các trường hợp phản ứng sau tiêm đều được phát hiện sớm, xử trí kịp thời, hiện sức khỏe ổn định. Công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra trật tự, an toàn và đảm bảo công tác phòng chống COVID-19.

TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi từ ngày 16/4 tại một số trường học, tiếp đó, ngày 18/4, tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức đồng loạt tổ chức tiêm cho trẻ trong độ tuổi này theo nguyên tắc tiêm theo lứa tuổi giảm dần và tùy theo tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế.

Dự kiến, có khoảng 898.537 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vaccine. Trong đó, có 885.730 trẻ đi học, danh sách do Sở Giáo dục và đào tạo cung cấp và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và chưa đi học, danh sách do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 3/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 513.786.354 ca, trong đó có tổng cộng 6.262.727 người tử vong.

Các nước cũng ghi nhận trên 468 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 39 triệu ca và trên 41.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 2/5, thế giới có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 44 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. Trong 24 giờ qua, Australia là nước có số ca mắc mới cao nhất (với trên 31.000 ca), trong khi Pháp là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 180 ca.

Theo thống kê của trang worldometers.info, đến hết ngày 2/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 196 ca tử vong. Trong ngày 2/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 9.300 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (84 ca).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước