Chủ trì Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Sáng 29/4, Trường Đại học Phan Thiết phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo "Tiếp cận, xử lý và chăm sóc bệnh nhân giai đoạn hậu COVID-19" với sự tham gia của các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ là chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe trong cả nước.
Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng rộng lớn trên phạm vi toàn cầu, tác động đến tất cả các lĩnh vực và đã lấy đi sự sống của rất nhiều người. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, đến tháng 4/2022, cả nước có hơn 10 triệu ca mắc COVID-19 (hơn 10% dân số). Trong số đó, đa phần ca mắc COVID-19 đã vượt qua và chiến thắng dịch bệnh. Đây có thể xem là thành công của nước ta so với nhiều nước trên thế giới khi kiểm soát tốt số ca bệnh nặng và giữ cho tỉ lệ tử vong vì COVID-19 thấp nhất có thể. Thành công này đến từ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết đồng lòng của toàn thể nhân dân Việt Nam và đặc biệt là sự hy sinh quên mình của tập thể các y, bác sĩ trên cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khắc Thường, Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết nhấn mạnh: Đối với những người đã mắc COVID-19 và may mắn vượt qua thì các triệu chứng cả về thể chất và tinh thần sau khi khỏi bệnh vẫn tiếp tục xảy ra. Nhiều bệnh nhân sau khi âm tính với SARS-CoV-2 vẫn còn tồn tại các triệu chứng ảnh hưởng sức khỏe như khó thở hoặc cảm giác hụt hơi, ho kéo dài, đau ngực, suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung tư tưởng, rối loạn giấc ngủ và rất nhiều triệu chứng khác. Hội thảo nhằm tạo điều kiện trao đổi thông tin, kiến thức và kỹ năng cần thiết về chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân giai đoạn hậu COVID-19, đồng thời nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Các đại biểu đã trình bày tham luận và cùng trao đổi về những triệu chứng, phương pháp tốt nhất chăm sóc bệnh nhân giai đoạn hậu COVID-19. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Công, Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Nam, các triệu chứng thường gặp sau khi mắc COVID-19 là mệt mỏi, đau đầu, rụng tóc, mất mùi vị, khó thở, rối loạn giấc ngủ, lo lắng…, do đó cần phải được thăm khám toàn diện và đa chuyên khoa.
Hiện nay, người mắc COVID-19 có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm 1, nguy cơ cao phát triển tình trạng hậu COVID-19 (lớn tuổi, bệnh nền, COVID-19 cấp nặng khi nằm viện); nhóm 2, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mới hay còn dai dẳng sau khi khỏi COVID-19; đây là 2 nhóm cần khám, theo dõi hậu COVID-19. Nhóm 3: Người sau khi khỏi COVID-19 không có triệu chứng gì (chiếm đa số), vẫn học tập, lao động, sinh hoạt bình thường, không ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và không thuộc nhóm những người nguy cơ thì không cần khám hậu COVID-19.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thanh Liêm, Phó Giám đốc Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an), hiện nay Bộ Y tế chưa ban hành gói khám nào đặc thù cho "hậu COVID-19", mà tùy từng trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ khám, tư vấn và có chỉ định các dịch vụ kỹ thuật phù hợp, giúp chẩn đoán và điều trị chính xác. Nhiều bác sĩ đã lên tiếng khuyến cáo người bệnh chỉ nên đi khám hậu COVID-19 khi có các triệu chứng được cảnh báo hoặc là đối tượng nguy cơ. Thông thường, các dấu hiệu trên xuất hiện sau 3 tháng kể từ khi mắc COVID-19, kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích được bằng một chẩn đoán khác.
Tại Hội thảo, các đại biểu nhìn nhận, hậu COVID-19 là vấn đề thời sự nóng bỏng nhất hiện nay do đại dịch để lại ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe và kể cả kinh tế, vì vậy việc tiếp cận đúng, hiểu tuyên truyền đúng sẽ giúp cho người bệnh tiếp cận đúng về hậu COVID-19 để biết được triệu chứng và được chăm sóc, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, ngành y tế cần phối hợp với truyền thông đưa ra những thông tin khoa học, dễ hiểu, hướng dẫn chăm sóc ban đầu và dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện để giúp cho người bệnh sau khi khỏi không hoang mang, lo lắng khi xuất hiện các triệu chứng hậu COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!