Cách đây đúng 40 năm, ngày 7/11/1981, 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo trong nước đã hợp nhất thành một tổ chức Phật giáo đại diện cho tăng, ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước với tên gọi Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 40 năm qua, Phật giáo Việt Nam đã viết tiếp truyền thống "hộ quốc an dân", có nhiều công lao đóng góp cho dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những nỗ lực ấy đã được lịch sử ghi nhận, khẳng định Phật giáo Việt Nam là tôn giáo yêu nước, đồng hành cùng dân tộc. Nhiều năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và tự viện tại các tỉnh thành, đã luôn quan tâm và chăm lo cho cuộc sống của người dân. Đó là những đóng góp thiết thực, góp phần làm vơi đi những gánh nặng xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Chùa Lâm Quang là nơi đang nuôi dưỡng cả trăm người già neo đơn
Chùa Lâm Quang, quận 8, TP Hồ Chí Minh là nơi đang nuôi dưỡng cả trăm cụ già neo đơn. Kể từ năm 1995 đến nay, mỗi ngày chư Ni và Phật tử luôn chăm sóc các cụ trong từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm giặt và dọn dẹp vệ sinh chỗ ở.
Không chỉ lo nơi ăn, chốn ở, chùa còn chăm sóc sức khỏe cho các cụ. Bên cạnh mua bảo hiểm y tế, mời các bác sĩ đến khám thiện nguyện, chư Ni còn đi học các lớp y tá chính quy để trợ giúp các cụ khi cần.
Chăm lo cho người cao tuổi không nơi nương tựa là một trong những hoạt động từ thiện thể hiện tinh thần hộ quốc an dân, từ bi cứu khổ của Phật giáo. Những hoạt động giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn, tương thân tương ái, vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Sáng nay (7/11), Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, qua hệ thống đường truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điểm cầu Hà Nội là ở trụ sở của Ủy ban và kết nối với tất cả các tỉnh, thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!