Từ trước đến nay, các hộ gia đình ở TP Hồ Chí Minh chỉ thực hiện chi trả một phần cho công tác vận chuyển theo mức giá của các UBND quận ban hành, phần còn lại do nhà nước bao cấp. Còn đến giai đoạn này, khi nhà nước không còn chi ngân sách cho chi phí vận chuyển, người xả rác sẽ là người chi trả khoản tiền này theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Đây cũng là chính sách đúng để người dân hiểu rõ về nghĩa vụ của mình, góp phần bảo vệ môi trường. Thế nhưng đến thời điểm này, đây dường như là chuyện xa lạ với người dân.
Những thắc mắc về tiền rác tăng luôn được người dân đặt ra với những người đi thu gom. Mỗi lần như vậy, họ lại phải dành thêm thời gian để giải thích. Thế nhưng không phải ai cũng có thể hiểu và với nhiều người, việc đang đóng tiền rác 40.000 đồng/tháng, tăng lên 70.000 đồng/tháng là quá đột ngột.
Sở dĩ phí rác tăng là do hiện nay, ngoài phí thu gom rác, hàng tháng mỗi hộ sẽ đóng thêm phí vận chuyển và thuế VAT. Ước tính tăng khoảng gần 50% phí hiện hữu. Đây vốn dĩ là khoản tiền được nhà nước bao cấp. Nay người dân phải chi trả khoản tiền này vì là đối tượng xả thải ra môi trường. Thế nhưng việc để người dân hiểu đúng và đầy đủ về các khoản tiền phí mình đóng chỉ được chuyển đến người dân qua những tờ thông báo, hoặc qua chính người đi thu gom rác. Vì vậy đã khiến nhiều người nhầm hiểu rằng phí thu gom rác tăng, dẫn đến khó cho cả người thu và người đóng tiền.
Hiện đã hết tháng 3, việc triển khai việc thu các khoản phí rác dường như chỉ dừng lại ở các văn bản của địa phương, còn thực tế để thu được khoản ngân sách này vẫn còn thiếu sự đồng bộ phối hợp của các đơn vị.
Sở dĩ có sự thắc mắc của người dân về việc giá rác tăng là do các quận thực hiện theo quyết định 38 của UBND TP về việc ban hành đơn giá cho dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Tùy vào tình hình mà mỗi quận, huyện sẽ đưa ra mức giá phù hợp cho các dịch vụ tại địa phương mình. Thế nhưng khi triển khai đầu tiên, quận 4, TP Hồ Chí Minh đã thấy nhiều bất cập nên đã có văn bản tạm ngưng. Mới đây, UBND quận 10 cũng đã triển khai thực hiện sau khi ra quyết định 733 và hướng dẫn 789 ban hành đơn giá.
Cụ thể như sau: (Phí thu gom + VAT) + (Phí vận chuyển+ VAT) = Giá thu rác/hộ dân
Tương ứng 48.000 đồng + 22.000 đồng = 70.000 đồng/hộ dân.
Việc thu phí này được thực hiện từ ngày 1/2/2021. Các quyết định, hướng dẫn đã có thế nhưng lại vướng nhiều bất cập trong lộ trình thực hiện.
Theo Hợp tác xã (HTX) môi trường quận 10 lý giải, với quy trình này, các xã viên HTX chỉ có thể thu được khoản tiền thu gom và phí VAT của khoản tiền này là 48.000 đồng.
Còn khâu vận chuyển về nhà máy do đơn vị trúng thầu dịch vụ vận chuyển của quận thực hiện. Số tiền 22.000 đồng được quận trả cho đơn vị vận chuyển và thuế. Thế nhưng HTX lại là đơn vị phải chịu trách nhiệm thu và nộp khoản tiền gần tỷ đồng mỗi tháng là điều vô lý.
Trao đổi qua điện thoại, đại diện phòng tài nguyên môi trường Quận 10 lý giải việc HTX thu phí vận chuyển là trách nhiệm chứ không phải là đơn vị thu hộ. Thế nhưng trong quyết định 733 do chính UBND quận 10 ban hành lại quy định đơn vị thu gom, nghĩa là HTX sẽ tổ chức thu hộ giá vận chuyển cho đơn vị thực hiện vận chuyển (là công ty công ích). HTX cho biết theo quy định trên văn bản, HTX chưa thể đồng ý việc thu tiền vì nhiều lo ngại.
Trong khi việc xác định vai trò của HTX trong việc thu phí vận chuyển đang bất nhất thì lộ trình thực hiện cũng có nhiều bất cập. Theo trình tự sẽ là: Quận ban hành quyết định đơn giá, Phường truyền thông, vận động 100% người dân hiểu, ký hợp đồng thu gom và người dân nộp tiền.
Thế nhưng từ khi quyết định ban hành giá cho đến khi có hiệu lực để người dân nộp tiền chỉ có 2 ngày. Nghĩa là từ ngày 29/1/2021 đến ngày 1/2/2021. Với thời gian rất ngắn như vậy, người dân có đủ để hiểu tiền họ phải đóng?
Nên đến nay dù đã cuối tháng 3, người dân vẫn còn chưa hiểu, hợp đồng chưa được ký, việc không thể thu tiền của người dân cũng là điều có thể hiểu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!