Từ ngày 6/1/2016, Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị thiết bị phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực. Theo đó, ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Ngay lập tức đã có những ý kiến phản hồi khác nhau từ người dân, trong đó có những bối rối xung quanh việc thực hiện quy định này. Ngoài việc khan hiếm hay tăng giá bình chữa cháy trên thị trường, người dân cũng “mù mịt” về chất lượng của thiết bị phòng cháy và chữa cháy này. Người lái xe cũng còn khá lúng túng chưa hiểu rõ nên mua loại bình nào và sử dụng ra sao để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, với mục đích để phòng chống cháy nổ, nhiều người cũng lo ngại liệu những chiếc bình cứu hỏa chưa sử dụng và bảo quản đúng cách có thể gây nổ, đặc biệt là vào thời tiết hè quá nóng ở Việt Nam, hay không? Trên thực tế, dù còn bối rối và nhiều thông tin chưa nắm rõ, để chấp hành quy định, người dân vẫn mua bình cứu hỏa, thậm chí cả hàng chưa có tem đảm bảo chất lượng.
Trước lo ngại về những chiếc bình chống cháy có thể phát nổ khi trời quá nóng và nhiệt độ trong xe kín sẽ tăng cao, các cơ quan chức năng vẫn khẳng định sự an toàn của bình này. Trước thông tin xe phải có bình chữa cháy mới được đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc trang bị bình cứu hoả trên xe ô tô không phải là điều kiện bắt buộc để đăng kiểm xe cơ giới.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.