Bên bờ sông Kinh Thầy, vụ sạt lở kinh hoàng 2 năm trước vẫn còn ám ảnh người dân xã Nhân Huệ. May mắn chưa bị mất nhà nhưng gần 1.000 m2 đất trồng cây của bà Nguyễn Thị Khuông giờ chỉ còn là mảnh vườn nhỏ rộng vài chục m2. Nguồn sinh kế duy nhất của gia đình cũng vì thế mà không tránh khỏi bấp bênh.
"Vẫn biết là nguy hiểm nhưng phải bám đất, bám vườn vì chẳng ai ở nhờ, ăn nhờ được họ hàng, con cháu mãi. Nhưng thế này cũng 5 ăn 5 thua vì chẳng biết khi nào sạt lở lấy đi hết mảnh vườn" - Bà Khuông cho hay.
Bất an sống trong vùng sạt lở, ông Bùi Văn Biển - hàng xóm nhà bà Khuông - dù muốn cũng không thể sửa sang lại căn nhà cho đỡ dột nát. Ông bảo, nhà chỉ cách bờ sông gần chục mét, cố ở tạm để chờ đến ngày được về nơi ở mới.
Xã Nhân Huệ có nhiều căn nhà bị bỏ không vì sạt lở.
Sau vụ sạt lở cách đây gần 2 năm, mới có hơn 50 hộ gia đình ở xã Nhân Huệ được bố trí nơi ở mới. Với gần 130 hộ còn đang chờ để được tái định cư, cuộc sống bấp bênh và nỗi lo sạt lở cứ hàng ngày đeo bám họ.
Ở xã Nhân Huệ có nhiều căn nhà bị bỏ không. Theo người dân trong xã, chủ nhà đã đi ở nhờ nhà bà con trong xã vì lo chẳng biết khi nào cả căn nhà sẽ bị sạt lở cuốn phăng xuống sông. UBND thành phố Chí Linh cho biết, mới đây, Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư vùng sạt lở mới được HĐND tỉnh Hải Dương chính thức thông qua. Xã Nhân Huệ cũng đã bố trí diện tích đất tái định cư thế nhưng không phải ngay lập tức người dân có thể dọn về nơi ở mới.
Sau nhiều năm sạt lờ, bờ sông Kinh Thầy đã ăn sâu vào đất liền hơn 50 m. Cung sạt trượt cũng đã mở rộng hơn 200 m. Một mùa mưa bão lại sắp về, UBND xã Nhân Huệ cho biết, năm nào cũng phải gặp gỡ, nhắc nhở những hộ có nhà đã quá xuống cấp nguy hiểm đi ở nhờ bà con hàng xóm. Năm nay, xã cũng đang lo mà chưa biết xoay sở thế nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!