Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 15km về phía Tây, làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức từng được coi là thủ phủ sản xuất đồ chơi trung thu truyền thống ở ngoại thành mỗi dịp rằm tháng 8. Trước cơn bão đồ chơi nhập lậu từ Trung Quốc, theo thời gian, làng nghề ngày càng mai một. Giờ chỉ còn sót lại duy nhất một người phụ nữ vẫn ngày đêm miệt mài gắn bó với nghề.
Ba đời làm đồ chơi trung thu truyền thống
Làng Hậu Ái vốn là điểm cung cấp chính đèn ông sao, đèn con cá, ông tiến sĩ giấy và nhiều đồ chơi Trung thu truyền thống khác cho thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Không chỉ múa lân, phá cỗ, hát trống quân…mà đèn lồng Hậu Ái cũng là một món ăn tinh thần của người dân xứ Kinh Kỳ mỗi dịp Tết trông Trăng đến.
Bà Nguyễn Thị Tuyến – người nghệ nhân cuối cùng còn đang "thắp sáng" cho những chiếc đèn ông sao truyền thống chia sẻ: "Nhà tôi 3 đời làm đồ chơi Trung thu rồi, từ đời các cụ ngày xưa, đến ông bà thân sinh ra tôi, đến tôi là được 3 đời rồi". Có thể thấy, công việc làm đồ chơi Trung thu truyền thống đã trở thành một phần máu thịt của những thế hệ người dân nơi đây.
Những món đồ chơi Trung thu truyền thống được bà Tuyến chuẩn bị trước để gửi cho khách ở các tỉnh lân cận. (Ảnh: Minh Toàn)
Sinh ra trong một gia đình có nghề truyền thống, bà Tuyến nhanh chóng học hỏi và trở thành nghệ nhân thuần thục từ lúc nào chẳng hay. "Tôi làm nghề này được hơn 50 năm nay rồi. Năm lên 8 tuổi, cụ thân sinh đã truyền nghề cho tôi, lúc đó nhỏ thì làm việc nhỏ như dán giấy màu thôi chứ chưa được làm khung. Sau này cứng tay hơn thì mới được làm khung và từ đó đến nay, tôi chưa bỏ một năm nào là không làm, không sản xuất đèn lồng", bà Tuyến bộc bạch. Với kinh nghiệm của mình, thời gian để bà Tuyến hoàn thiện môt chiếc đèn ông sao thường nhanh gấp 2-3 lần người mới vào nghề, vì trăm hay chẳng bằng tay quen.
Mỗi sản phẩm từ đèn ông sao đến ông tiến sĩ giấy đều yêu cầu những người nghệ nhân phải có sự tỉ mỉ, chau chuốt và sự khéo léo. Bởi lẽ, mỗi công đoạn đều được làm hoàn toàn bằng đôi bàn tay của những người nghệ nhân mà không hề có sự can thiệp của máy móc hay công nghệ.
Bà Tuyến chia sẻ, khâu chuẩn bị nguyên liệu được rục rịch thực hiện từ đầu tháng 5 Âm lịch. Lúc này, bà và chồng phải di chuyển quãng đường hơn 30km để vào những khu chợ ở phía trong như chợ Cóc, chợ Ổi… để tìm mua và chọn lọc những bó nứa đạt tiêu chuẩn. Quá trình sơ chế và chuẩn bị nguyên liệu được thực hiện ngay sau đó. Các sản phẩm được hoàn thiện dần từ khoảng đầu tháng 5 đến khoảng mùng 10 tháng 8 âm lịch.
"Dù vất vả nhưng giờ quen với công việc này rồi. Đến dịp Trung thu mà không làm đèn, làm đồ chơi cho các cháu thì mình cảm thấy trống vắng gì đó. Cũng vui vì được góp chút công sức của mình cho tết trung thu thêm trọn vẹn", bà Tuyến phấn khởi nói.
Bà Nguyễn Thị Tuyến – người nghệ nhân cuối cùng còn giữ nghề làm đèn lồng truyền thống tại mảnh đất Kinh kỳ bày tỏ những quan ngại về sự mai một của nghề. (Ảnh: Minh Toàn)
Nghề lấy công làm lãi
Là những sản phẩm thủ công nên tốn nhiều thời gian và công sức để tạo ra thành phẩm tuy nhiên giá của chúng lại chỉ ở mức thấp đến rất thấp. Theo tìm hiểu, giá của mỗi món đồ chơi dao động từ 30.000 - 60.000 đồng tuỳ sản phẩm. Giá đèn ông sao là 40.000 đồng/chiếc, đèn con cá, đèn con tôm có giá từ 30.000 - 35.000 đồng/chiếc, 1 bộ ông tiến sĩ giấy gồm 1 tướng và 2 quân, giá bộ to là 60.000 đồng và bộ nhỏ là 50.000 đồng/bộ.
Bà Tuyết tiết lộ, trung bình chỉ nhận được khoảng 10.000 - 15.000 đồng cho mỗi giờ lao động. Mức thù lao này thậm chí còn thấp hơn rất nhiều những công việc khác. "Tôi còn làm là vì tình yêu, sự đam mê với cái nghề này chứ cả năm mới có một dịp thì lời lãi gì", bà Tuyến chia sẻ. Được biết, thu nhập chính của gia đình bà Tuyến hiện phụ thuộc vào sạp nước trước nhà và dãy nhà trọ đang cho thuê gần đó. Công việc làm đồ chơi Trung thu truyền thống đã trở thành niềm vui của bà mỗi dịp Rằm tháng 8 đến.
Hiệu quả kinh tế thấp cũng là lý do chính khiến nhiều hộ trong làng đã chuyển hẳn sang sản xuất nông nghiệp hoặc hoạt động tại các khu công nghiệp. Bà Nguyễn Thị Tứ (54 tuổi, tiểu thương bán hoa quả tại chợ Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) nói: "Xưa tôi cũng làm cái nghề này, mặc dù mỗi năm chỉ có một lần, phụ thu cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến gia đình nhưng tốn thời gian nên tôi không làm nữa". Tốn thời gian và hiệu quả kinh tế thấp là 2 lý do chính khiến nhiều hộ dân tại đây không còn giữ nghề.
Nỗi buồn của đèn ông sao
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, bà Tuyến không khỏi ngậm ngùi về sự mai một của đồ chơi trung thu truyền thống cứ mỗi dịp tết trung thu về. Bà gọi đó là nỗi buồn của đèn ông sao. Bởi bà Tuyến cho rằng, bắt đầu từ những năm 1995 – 2000, thị trường đồ chơi Trung thu Việt Nam bắt đầu có sự du nhập của đồ chơi điện tử mà đặc biệt là các mặt hàng Trung Quốc. Vì mẫu mã đẹp mà giá thành lại rẻ nên các sản phẩm ngoại nhập nhanh chóng chiếm thị phần chính ở Việt Nam. Đồ chơi truyền thống dần rơi vào lãng quên.
Đến nay, tuổi đã cao, những trăn trở của bà Tuyến cũng theo đó mà lớn dần theo năm tháng. Bà chia sẻ: "Đồ chơi Trung thu truyền thống ngày càng bị sao nhãng. Do đối tượng tiêu thụ chính của sản phẩm này là trẻ em mà đồ chơi Trung Quốc mẫu mã đẹp và rẻ nên đồ thuần Việt dần mất đi chỗ đứng trong thị trường".
Tất cả các sản phẩm đều được làm hoàn toàn bằng tay vì vậy độ bền rất cao khác hẳn với những sản phẩm trôi nổi ngoài chợ. (Ảnh: Minh Toàn)
Do hiệu quả kinh tế thấp và tốn cực kỳ nhiều thời gian để hoàn thành một sản phẩm nên anh Trần Văn Sơn (28 tuổi, công nhân) – con trai bà Tuyến - nhiều lần khuyên bà bỏ nghề rồi nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già. Tuy nhiên, vì tình yêu với nghề mà vẫn cặm cụi "thắp sáng" cho từng món đồ chơi Trung thu truyền thống.
Một niềm vui duy nhất mà bà cảm nhận được là cho đến nay, chính quyền các cấp cũng như các tổ chức vẫn có sự quan tâm đến những đồ chơi truyền thống này. Theo bà Tuyến, mọi năm ngoài những đơn hàng đi các tỉnh và trong nội thành Hà Nội, bà còn nhận được lời mời từ các tổ chức như Bảo tàng dân tộc học, Ban quản lý phố đi bộ Hồ Gươm…Các tổ chức mời bà đến giới thiệu và làm các sản phẩm ngay tại đó nhằm phổ biến rộng rãi tinh hoa văn hoá truyền thống đến với đông đảo người dân hơn mà đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi từ 4-12 tuổi.
Các cấp chính quyền tại địa phương thương xuyên thăm hỏi động viên bà Tuyến cố giữ lấy cái nghê truyền thống của ông cha. Bà Tuyến nói: "Mỗi dịp Trung thu đến, chính quyền xã cũng như chính quyền thôn thường xuyên có những hoạt động nhằm động viên gia đình giữ lấy nghề". Đoàn thanh niên của thôn xóm cũng tổ chức những hoạt động vui chơi mỗi dịp Trung thu đến như rước đèn, phá cỗ… mà đồ chơi chính được sử dụng là những đồ chơi truyền thống nhằm gìn giữ những nét đẹp văn hoá cổ truyền của đất nước.
Nhưng giờ, điều bà trăn trở và lo lắng nhất là có còn ai kế tiếp mình tiếp tục thắp sáng cho những đèn ông sao vào mỗi dịp tháng 8. Nguy cơ về một làng nghề Hậu Ái truyền thống trong quá khứ trước đây sẽ chỉ còn trong ký ức?
"Là nghề truyền thống của gia đình và đã được truyền qua 3 đời, tuy nhiên đến nay các con của bà Tuyến không có ai duy trì và phát triển nghề này. Bây giờ, thời buổi phát triển, nên bây giờ muốn chúng nó ngồi lại đây, tỉ mỉ vuốt từng cái nan, cái tay cầm như mình cũng khó…" – bà Tuyến bày tỏ sự tiếc nuối khi nói về sự mai một của làng nghề Hậu Ái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!