Người nông dân vượt thách thức, gặt hái thành công sau thiên tai năm 2024

Anh Thư, Văn Tùng,Lan Phương, Phạm Thành-Thứ tư, ngày 01/01/2025 10:59 GMT+7

VTV.vn - Năm 2024, ngành nông nghiệp đối mặt thách thức lớn từ thiên tai nhưng vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 60 tỷ USD, khẳng định sức bền và nỗ lực vượt khó của toàn ngành.

Nông nghiệp thiệt hại gần 39.000 tỷ đồng vì bão số 3

Ngành nông nghiệp đã có những thành tựu đáng ghi nhận, trong năm 2024 vừa qua. Giá trị kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 60 tỷ USD, là kết quả cho 1 hành trình toàn ngành vượt khó khăn.

Đây là nền tảng để chúng ta bước tiếp năm 2025 với những sức bật mới, cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ để kỳ vọng sẽ có một năm bội thu.

Trong 10 cơn bão của năm ngoái thì cơn bão số 3, bão Yagi đã trở thành nỗi ám ảnh về sức tàn phá. Tăng trưởng Nông nghiệp giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2023 khi cơn bão đi qua 26 tỉnh, thành gây ra những thiệt hại chưa từng có.

Người nông dân vượt thách thức, gặt hái thành công sau thiên tai năm 2024 - Ảnh 1.

Đã có gần 34.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, trong đó có gần 10.000 ha nuôi tôm, hơn 16.000 ha nuôi cá và gần 8.000 ha nuôi nhuyễn thể.

Thiệt hại chăn nuôi ước tính lên đến hơn 11.000 tỷ đồng tập trung tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc; Việc tái đàn sau bão còn đối mặt với hàng loạt khó khăn như thiếu vật liệu sửa chữa chuồng trại, hóa chất khử trùng, con giống và thức ăn.

Người nông dân vượt thách thức, gặt hái thành công sau thiên tai năm 2024 - Ảnh 2.

Tổng thiệt hại về nông nghiệp gần 39.000 tỷ đồng, chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo khôi phục sản xuất đối với trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi và phòng chống thiên tai; huy động hơn 20.000 lượt cán bộ khuyến nông xuống địa bàn bị ảnh hưởng để trực tiếp hướng dẫn. Sau 3 tháng khắc phục thiệt hại, sản lượng nông lâm thuỷ sản vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu

Hình ảnh Làng Nủ hồi sinh thần tốc nhờ sự chung tay của các cấp các ngành đã trở thành hình ảnh ấm áp nhất năm 2024. Thiên tai đi qua cũng để nhận diện khả năng chống đỡ và đứng dậy sau ngã đổ. Thiên tai cũng là lời nhắc nhở sâu sắc về biến đổi khí hậu...

Người nông dân vượt thách thức, gặt hái thành công sau thiên tai năm 2024 - Ảnh 3.

Người nuôi biển đứng dậy sau bão

Chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh đã thiệt hại hơn 6 nghìn tỷ đồng, khi hơn 43 nghìn tấn thuỷ sản, trôi ra sông, ra biển. Rất nhiều người dân đã trắng tay sau bão, hơn 3 tháng đã trôi qua, đó là hành trình bà con đã đứng dậy, sau ngã đổ và mất mát. Ghi nhận thủ phủ nuôi biển Vân Đồn, để cảm nhận rõ hơn tâm thế bám, biển, khôi phục sản xuất của bà con với một tư duy phát triển mới trong năm mới này.

Những phao nuôi hàu đang dần phủ kín mặt biển, xoá đi những dấu vết của bão. Đây là ngành hàng chủ lực của Vân Đồn khi chiếm hơn 50% diện tích. Theo nghề nuôi hàu hàng chục năm, ông Sơn xác định sẽ phải làm lại từ đầu dù đòi hỏi nguồn vốn lớn.

Người nông dân vượt thách thức, gặt hái thành công sau thiên tai năm 2024 - Ảnh 4.

Còn tại làng chài Bái Tử Long, những ngôi nhà mới đã được dựng xong gắn với chỉnh trang lại các bè nuôi cá. Với vị trí kín gió, sau bão, 9 thành viên của hợp tác xã đã may mắn chỉ thiệt hại khoảng 40%. Vì thế, hơn 3 tháng qua, việc khôi phục sản xuất nhanh có kết quả hơn

Đến thời điểm này những hộ có quy mô dưới 10ha thì đã cơ bản khôi phục sản xuất...những hộ có quy mô lớn hơn thì khắc phục và hoàn thiên hơn 50%, mặc dù sẽ còn phải mất 3-5 năm nữa bà con mới có lại sản lượng như trước bão nhưng kết quả sản xuất 3 tháng qua đã tạo đà tăng tốc trong năm 2025

Cùng với các chính sách hỗ trợ thiệt hại, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có cấp phép và tạm giao mặt biển để đáp ứng khôi phục sản xuất là hơn 10.000 ha. Từ đây, khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản sẽ là 3 trụ cột để phát triển bền vững.

Người nông dân vượt thách thức, gặt hái thành công sau thiên tai năm 2024 - Ảnh 5.

Ông Đỗ Đình Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Năm 2025 chúng tôi xác định tăng trưởng của ngành thuỷ sản phải trên 5% theo mô hình hợp tác xã như hợp tác xã bái tử long đây, gom lại để chúng ta huy động nguồn lực, gắn nuôi biển với các ngành kinh tế khác".

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty STP Quảng Ninh cho biết: "Gần đây chúng tôi có 1 chi hội với 21 thành viên thành lập ra chuỗi mà chúng tôi quyết tâm sẽ là chuỗi 5 sao...sản phẩm rong hàu kết hợp với 21 hình hợp tác xã, với 1000 ha diện tích mặt nước là mong ước của chúng tôi hướng đến được cấp credit carbon.

Khôi phục sản xuất từ vùng rốn lũ Yên Bái

Còn tại Yên Bái - 1 trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 3,, cũng đang vươn lên sau bão. Tại huyện Trấn Yên, một màu xanh mướt của rau màu và dâu tằm,, đã phủ kín. Tinh thần, ý chí khôi phục sản xuất của bà con là minh chứng cho sự kiên cường, đoàn kết và quyết tâm xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Câu chuyện ghi nhận tại vùng có diện tích trồng dâu lớn nhất tỉnh Yên Bái khoảng 1.000 hecta, với 1.500 hộ nuôi tằm. Mỗi năm, giá trị sản phẩm bình quân đạt gần 300 triệu đồng/ hecta, giá trị thu về hàng trăm tỷ đồng.

Ruộng dâu này đã được dọn dẹp sạch sẽ sau đợt mưa lũ hồi tháng 9 vừa qua. Những cây dâu được trồng từ vụ trước đã không sống được do bị ngập trong nước nhiều ngày. Hôm nay, chị Lê và các thành viên trong Hợp tác xã Hạnh Lê ở xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên lại tiếp tục ra đồng, trồng lứa dâu mới.

Người nông dân vượt thách thức, gặt hái thành công sau thiên tai năm 2024 - Ảnh 6.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê, xã Thành Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái cho biết: "Trước đây, những ruộng như thế này mương rãnh không có. Mưa xuống hay bị úng. Cũng do ảnh hưởng của cơn bão nên bà con ở đây cũng chủ động khơi mương thoát nước, chống úng, 5, 6 hàng dâu lại thêm 1 rãnh nữa, lên luống cao lên, để sau này mưa bão cũng giảm được thiệt hại như vừa rồi".

Xã Thành Thịnh là địa phương có diện tích dâu lớn nhất huyện, khoảng 283ha. Nhưng toàn bộ bị ngập do lũ. Nên khi nước rút, những người dân ở đây đã chủ động áp dụng kỹ thuật vào cải tạo đất và đồng ruộng để phục hồi những cây dâu còn lại.

Người nông dân vượt thách thức, gặt hái thành công sau thiên tai năm 2024 - Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch UBND xã Việt Thành, Trấn Yên, Yên Bái cho biết: "Chúng tôi kết hợp với Viện Dâu tằm tơ TW, cũng như các phòng ban chuyên môn hướng dẫn nhân dân để khắc phục những diện tích dâu có thể cứu được. Còn lại trên 40 ha thiệt hại phải trồng lại. Đến nay chúng tôi đã triển khai trồng được 60%. Dự kiến trong tháng 1 này 100% diện tích dâu sẽ được trồng lại để sang năm 2025 sẽ có sản lượng dâu cho bà con nuôi tằm sớm ổn định cuộc sống".

Sau bão lũ, cuộc sống và sản xuất của người dân ở đây đã có những thay đổi rõ rệt. Họ đã nhận thức sâu sắc hơn về sự tàn phá của thiên tai và tích cực chuẩn bị các biện pháp kỹ thuật để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ gây ra trong tương lai.

Niềm vui đầu năm ở xã nông thân mới kiểu mẫu

Đợt bão số 3 thực tế đã gây thiệt hại lớn về người và kinh tế ở nhiều địa phương trên cả nước. Vì vậy, việc duy trì và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới vì vậy cũng gặp không ít khó khăn.

Nhiều tiêu chí Nông thôn mới ở vùng cao bị "xóa sổ" sau mưa lũ. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, và xác định Nông thôn mới là chương trình có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân cũng như hiện đại hóa nông thôn Việt Nam.

Đến cuối năm ngoái, cả nước đã có gần 79% xã, đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có hơn 530 xã, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Buổi sáng đầu năm 2025 tại xã Khánh Cường vừa về đích nông thôn mới kiểu mẫu, ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Người nông dân vượt thách thức, gặt hái thành công sau thiên tai năm 2024 - Ảnh 8.

Câu hát xẩm như lời mời gọi du khách gần xa về với Khánh Cường, mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, nằm phía Đông Nam huyện Yên Khánh. Vốn là miền quê giàu văn hóa dân gian, đi tới đâu ta cũng có thể nghe thấy tiếng hát chèo, hát xẩm. Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Giới là người đã có công gây dựng CLB hát xẩm với trên 20 thành viên tham gia. Chính những đổi thay của nông thôn mới đã làm cảm hứng cho những khúc ca mới ca ngợi quê hương

Bất cứ công việc nào, công trình nào đều có sự tham gia bàn bạc, đóng góp và thụ hưởng của người dân. Bà con và những người con trưởng thành từ quê hương đã tham gia đóng góp tiền của, ngày công lao động để nâng cấp các tuyến đường ngõ xóm, chỉnh trang nhà văn hóa và các công trình phúc lợi công cộng.

Những công trình từ sức dân là minh chứng sinh động cho vai trò của nhân dân đã được phát huy mạnh mẽ như thế nào ở Khánh Cường. Những con đường hoa do hội phụ nữ các xóm tự đảm nhận việc trồng và chăm sóc. Đường làng có hoa không chỉ góp phần tạo nên không gian sống thoáng đãng, xanh, sạch, đẹp mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Bên cạnh tiêu chí về gìn giữ và phát huy văn hóa bản sắc quê hương, Khánh Cường đặc biệt coi trọng việc đào tạo con người cả về kiến thức và giáo dục thể chất. Hiếm có ngôi trường nào cấp xã lại có điều kiện cho học sinh được rèn luyện thể chất theo mô hình câu lạc bộ sở thích như ở nơi đây.

Người nông dân vượt thách thức, gặt hái thành công sau thiên tai năm 2024 - Ảnh 9.

21 xóm ở Khánh Cường đều có nhà văn hóa khang trang , từ đó mà phong trào thể thao , văn nghệ có không gian để duy trì và phát triển. Để đón chào năm mới và cũng mừng xã vừa đạt nông thôn mới kiểu mẫu, chị em phụ nữ lại rộn ràng trong những bài dân vũ, tiếp thêm động lực hăng say sản xuất hướng tới tết nguyên đán Ất Tỵ nhà nhà no ấm.

Trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: trong năm 2024, ngành nông nghiệp đã khẳng định tinh thần:

"Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể" trước những khó khăn do đứt gãy thị trường, thiên tai, bão lũ. Phát huy kết quả đạt được, năm 2025, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,5 - 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu Nông lâm thủy sản phấn đấu đạt 70 tỷ USD. Nông dân phải được ấm no, hạnh phúc hơn, nông thôn hiện đại hơn, nông nghiệp phải, tiên tiến hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

nông nghiệp

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước