Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ GTVT cho phép khôi phục tất cả các tuyến vận tải hành khách đi/đến Đà Nẵng từ 0h ngày 7/9.
Theo đó, những người này phải hạn chế tiếp xúc gần, không đến nơi tập trung đông người hoặc tham gia các sự kiện không cần thiết. Trong quá trình cách ly tại nhà, khi có những biểu hiện bất thường như mệt mỏi, đau, sốt, những người này phải đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra.
Theo Báo Nhân dân, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay có nhiều người dân Hà Nội có nhu cầu đến Đà Nẵng và người từ/đi qua Đà Nẵng đến Hà Nội. Do đó, khi Đà Nẵng mở lại hoạt động vận chuyển hành khách đường sắt, đường bộ và đường hàng không từ 0h ngày 7/9, tất cả mọi người dân đi về từ Đà Nẵng đến Hà Nội phải khai báo y tế và phải cách ly 14 ngày.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ, ngoài con số mắc kẹt ở Đà Nẵng (khoảng 800 người) muốn trở về, nhiều người có nhu cầu đi lại vì nhiều nguyên nhân khác. Trong lần xét nghiệm hơn 8.000 người trở về Đà Nẵng, phát hiện 3 ca dương tính với SARS-CoV-2. Lần này, con số đi lại từ Đà Nẵng sẽ khó xác định hơn khi Đà Nẵng mở cửa trở lại bình thường và Hà Nội cũng sẽ không chủ quan.
Ông Hạnh cho rằng dịch COVID-19 ở Hà Nội đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, với tình hình đi lại giữa Hà Nội và các nơi khác, ông cho rằng nguy cơ xuất hiện thêm ca mắc mới vẫn còn.
Tương tự, TP.HCM cũng yêu cầu những người về từ Đà Nẵng từ 0h ngày 5/9 cũng phải khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, việc làm này để phù hợp với tình hình thực tế.
Những trường hợp có yếu tố dịch tễ rõ ràng sẽ thực hiện khai báo tại trạm y tế để được điều tra dịch tễ chi tiết. Những người này bao gồm trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, từng đến các bệnh viện có ca nhiễm, sống ở khu vực đang có ca mắc bệnh.
HCDC khuyến cáo người dân cần tự theo dõi sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động theo hướng dẫn của ngành y tế, hạn chế tiếp xúc gần, không đến nơi tập trung đông người hoặc tham gia các sự kiện không cần thiết.
Cùng với việc tự theo dõi sức khỏe, họ cần ghi lại nhật ký đi lại và tiếp xúc. Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, những người này phải báo y tế địa phương hoặc bệnh viện gần nhất để được hướng dẫn, khám, lấy mẫu xét nghiệm nếu có chỉ định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!