Chương trình Tư vấn trực tuyến: "Dịch bệnh vẫn nguy hiểm với người bệnh nền, suy giảm miễn dịch"
Nếu độc lực của các loại virus, vi khuẩn quá mạnh có thể làm tổn thương các cơ quan phủ tạng và rất khó điều trị, thậm chí người bệnh sẽ không chống đỡ nổi, tử vong.
Thông tin trên được TTƯT.PGS.TS.BS Trần Quang Bính – Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết trong chương trình Tư vấn trực tuyến: "Dịch bệnh vẫn nguy hiểm với người bệnh nền, suy giảm miễn dịch" được tổ chức bởi Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, diễn ra vào tối 29/9/2023. Chương trình thu hút hơn 40 ngàn lượt xem trực tiếp và xem lại trên các nền tảng số. Đồng thời, hàng trăm câu hỏi của khán giả đã gửi về, được các diễn giả, chuyên gia giải đáp kịp thời.
TTƯT.PGS.TS.BS Trần Quang Bính cho biết, hiện nay các loại virus, vi khuẩn liên tục có những biến thể để tự đề kháng và chống lại hệ miễn dịch. Điển hình như trong đại dịch vừa qua, virus SARS-CoV-2 luôn có những biến thể mới, chống lại các loại thuốc hiện có, lây lan nhanh và đe dọa sức khỏe của cả cộng đồng.
Trong nhiều trường hợp, virus SARS-CoV-2 có thể chỉ là tác nhân gây ra điều kiện thuận lợi để các tác nhân khác, hoặc là tình trạng đồng nhiễm, bội nhiễm, khiến cho cơ thể người mắc các bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch trở nên tổn thương nghiêm trọng hơn, tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong cao hơn.
TTND.PGS.TS.BS Trần Duy Anh - Giám đốc Chuyên môn Nội khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết có 20 loại bệnh được Bộ Y tế xếp vào nhóm bệnh nền có thể gây suy giảm miễn dịch, như: Bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, suy gan, suy thận, ung thư, bệnh lý mạch máu não, bệnh lý thần kinh, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản… Bên cạnh đó, 2 nhóm đối tượng cũng có nguy cơ suy giảm miễn dịch cao là người cao tuổi và người thừa cân, béo phì.
Khi cơ thể người bệnh đã suy giảm miễn dịch thì khả năng chống đỡ lại bệnh tật là rất yếu, nhất là những bệnh nhiễm trùng. Người bệnh nền, suy giảm miễn dịch nếu bị nhiễm trùng sẽ diễn biến nhanh, dễ trở nặng và khó điều trị. "Kể cả những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh thì tác động của vi rút vẫn có thể còn nằm lại cơ thể, chưa được đẩy ra hết bên ngoài ngay lập tức. Một số người phải mang các di chứng kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó sức khỏe người bệnh mới dần dần hồi phục", TTND.PGS.TS.BS Trần Duy Anh cho biết.
Bác sĩ đang thăm khám cho người bệnh nền tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Trả lời câu hỏi của khán giả Thu Hà: "Hiện nay còn tình trạng người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng hay không?", TS.BS LÊ BÁ NGỌC - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khẳng định dịch bệnh này vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn khỏi cộng đồng. "Hiện nay, mỗi tuần chúng tôi vẫn ghi nhận từ 3 đến 4 người bệnh xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Thậm chí, chúng tôi còn ghi nhận những trường hợp biến chứng nặng như viêm phổi, phải nhập viện điều trị", bác sĩ Lê Bá Ngọc cho biết thêm.
Triệu chứng lâm sàng của người mắc COVID-19 cũng tương tự các dòng cúm mùa khác như mệt mỏi, ho, sốt, khạc đờm, khàn tiếng… khiến nhiều người chủ quan, không đi khám và điều trị kịp thời. Đây là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới bệnh diễn tiến nặng, thậm chí tử vong, khi người bị bệnh nền, người suy giảm miễn dịch bị đồng nhiễm, bội nhiễm virus SARS-CoV-2 và các loại virus, vi khuẩn khác.
Khán giả Hoàng Yến gửi câu hỏi: "Người cao tuổi, nhiều bệnh nền, suy giảm miễn dịch nên làm gì để hạn chế nguy cơ trở nặng nếu không may mắc bệnh dịch?". TTƯT.PGS.TS.BS Trần Quang Bính cho biết, những người nhiều bệnh nền, suy giảm miễn dịch nên sớm đến cơ sở y tế có đầy đủ chuyên khoa và thiết bị để kiểm tra, đánh giá tổng thể. Qua đó, các bác sĩ có thể giúp người bệnh đề ra một chế độ phù hợp, ví dụ như: Uống thuốc để ổn định huyết áp, giảm mỡ máu, kiểm soát chế độ ăn, có chế độ tập luyện phù hợp, giảm tiến triển của thoái hóa khớp… Từ đó, nâng cao thể trạng, cải thiện hệ miễn dịch để đề kháng tốt hơn với các loại virus, vi khuẩn.
Ngoài ra, người cao tuổi, mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch nên tiêm ngừa các loại vaccine phù hợp. Qua đó, giúp cơ thể hình thành các loại kháng nguyên cần thiết, giúp phòng ngừa hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có virus SARS-CoV-2.
BS.CKII Trần Thị Thanh Trúc - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, những người mắc bệnh tim mạch nếu không may bị nhiễm thêm cúm có thể gia tăng mức độ nguy hiểm gấp nhiều lần. Cúm là một trong những tác nhân làm tiến triển, tăng nặng bệnh tim. Do vậy, việc tiêm vaccine ngừa cúm định kỳ hằng năm đối với những người mắc bệnh tim là rất cần thiết.
Theo thống kê, những người cao tuổi, người mắc bệnh nền, khi được tiêm vaccine ngừa cúm có thể giảm 35% nguy cơ mắc COVID-19. Nếu mắc bệnh thì vaccine cũng giúp giảm được 32% nguy cơ biến chứng nặng.
BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng trẻ em và người lớn VNVC nhấn mạnh những người mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch đều rất cần và càng phải được ưu tiên tiêm vaccine. Qua đó, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra đồng nhiễm, bội nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm do các loại virus, vi khuẩn gây ra.
Ví dụ, người mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch nên tiêm vaccine ngừa cúm, mỗi năm 1 lần; vaccine phế cầu (1 liều duy nhất); bạch hầu, ho gà, uốn ván… Tiêm ngừa góp phần bảo vệ đường hô hấp của người bệnh nền, suy giảm miễn dịch tốt hơn trước các nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm.
Tại VNVC, tiêm chủng cho người bệnh nền được kiểm soát chặt chẽ. Các bác sĩ sẽ khám sàng lọc và đánh giá đúng tình hình sức khỏe của người được tiêm. Mỗi trường hợp cụ thể đều được kiểm tra đầy đủ các yếu tố nhằm giúp cho kết quả tiêm chủng được an toàn và hiệu quả nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!