Việc ghi số điện thoại trên bệnh án của sản phụ mục tiêu là để cung ứng dịch vụ tiện ích. Các hệ thống nhắn tin, các hệ thống đặt số khám bệnh của các tổng đài, các hệ thống bưu điện để gửi thông tin thay vì phải lên tận nơi và cả hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, nó đã trở thành những sự phiền phức khi bị lọt lộ cho các dịch vụ chăm sóc mẹ và bé sau sinh. Không chỉ dừng ở phiền phức, số điện thoại bị lộ còn là khởi nguồn cho những nguy cơ lừa đảo khác. Công an Quận 5, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận các trình báo từ hình thức lừa đảo chuyển tiền cho con mổ cấp cứu do gặp tai nạn.
Công an Quận 5 đã tiếp nhận và làm việc với 4 trường hợp phụ huynh đến trình báo với cơ quan công an vì bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền 340 triệu đồng.
Theo Tiến sĩ Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi Hội An toàn Thông tin phía Nam, các kịch bản lừa đảo đều được xây dựng trên cơ sở 50% sự thật từ những thông tin cá nhân đã bị đánh cắp hay mua bán trái phép và nguy cơ lọt lộ thông tin là có thể xảy ra với bất cứ ai.
Để hạn chế những hệ lụy từ nguy cơ lọt lộ thông tin, chúng ta chỉ cung cấp thông tin khi thật sự cần thiết. Tuy nhiên cũng cần ý thức là thông tin cá nhân luôn luôn có thể bị lộ. Trong trường hợp cần phải khai thông tin, chúng ta luôn luôn có bước kiểm tra xác minh trước khi thực hiện.
Từ ngày 1/7/2023, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Chính phủ có hiệu lực. Theo đó, Nghị định quy định chặt chẽ về bảo vệ dữ liệu và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!