Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 3,6 triệu người đang bị loãng xương. Tuy nhiên trên thực tế, con số có thể cao hơn nhiều vì nhiều bệnh nhân không được khám, chẩn đoán. Do bệnh diễn tiến âm thầm nên nhiều người có tâm lý chủ quan, phát hiện khi bệnh đã trở nặng.
Dù có các biểu hiện đau nhức xương khớp kéo dài, nhưng phải đến khi việc tự sử dụng các loại thuốc điều trị ở nhà không có hiệu quả, bà Lý (tỉnh Quảng Ninh) mới quyết định vào bệnh viện để thăm khám, điều trị…
"Nó đau trong xương, cắn nhức trong xương, khó chịu… Không đi khám, mà chỉ uống thuốc nên thời gian giảm đau ít. Thời gian đau kéo dài, bác sĩ bảo tôi đã bị loãng xương", bà Hà Thị Lý, tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ.
Đại diện khoa thần kinh cơ xương khớp của một bệnh viện cho biết, tình trạng người bệnh bị loãng xương, có các biểu hiện trở nặng như bà Lý mới nhập viện điều trị không phải là hiếm.
Hiện tỷ lệ người bị loãng xương ở Việt Nam có xu hướng gia tăng và dự báo, đến năm 2030, con số này sẽ vào khoảng 4,5 triệu người.
Bà Khuyên (tỉnh Quảng Ninh) nhập viện khi đã bị xẹp thân đốt sống, buộc phải thực hiện kết hợp nhiều phương pháp điều trị.
"Vì bệnh diễn biến âm thầm, không có biểu hiện đặc trưng. Đa số bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau nhức, thậm chí xẹp thân đốt sống. Một số trường hợp vào viện do ngã, chấn thương nhẹ cũng có biểu hiện của gãy xương", bác sĩ Đinh Thị Xuyền, Phụ trách Khoa thần kinh cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng, cho biết.
Cũng theo bác sĩ, ngoài việc thăm khám định kỳ để sớm phát hiện loãng xương, nhất là với phụ nữ bước sang tuổi trung niên, người bệnh cũng tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau tại nhà.
Hiện tỷ lệ người bị loãng xương ở Việt Nam có xu hướng gia tăng và dự báo, đến năm 2030, con số này sẽ vào khoảng 4,5 triệu người, trong đó tỷ lệ nữ giới mắc loãng xương chiếm 70 - 80%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!