Mỗi lần về quê, anh Nguyễn Văn Hào (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đều tranh thủ mang sản vật "cây nhà lá vườn" lên phố để kiếm thêm chút ít thu nhập. Hơn một tháng nay, nhà máy thiếu đơn hàng, phần lớn thu nhập từ tăng ca bị cắt giảm, những công nhân như anh Hào phải xoay xở bằng nhiều cách.
Thay vì nghỉ ngơi, sau tan ca, nhiều người giờ lại tranh thủ tìm kiếm cho mình một công việc mới. Dù vậy, họ cũng chỉ đủ sống tằn tiện qua ngày.
Không chỉ ngành điện tử gặp khó, nửa cuối năm cũng là giai đoạn khó khăn của nhiều doanh nghiệp dệt may. Một số nhà máy không có đơn hàng để làm buộc phải tính toán lại phương án sắp xếp lao động phù hợp như cho công nhân nghỉ thứ 7 hay nghỉ phép.
Những năm trước, người lao động ở Công ty Giầy Hồng Bảo Đông Anh, Hà Nội làm không hết việc. Năm nay, tất cả chỉ đi làm theo giờ hành chính và thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của họ khi thu nhập trước đây từ 9-12 triệu/tháng.
Lâu nay, những ngành công nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, gỗ chủ yếu dựa vào sức lao động, gia công là chính. Do đó, khi thị trường thế giới biến động thì rõ ràng cũng là lúc hàng triệu công nhân bị ảnh hưởng.
Tình trạng cắt giảm lao động hàng loạt như ở công ty Samho vừa qua chỉ là thiểu số. Dù thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng không sa thải công nhân bằng cách cho làm việc luân phiên, nghỉ hết phép năm nay và ứng phép năm 2023.
Doanh nghiệp thiếu đơn hàng nhưng vẫn giữ lao động
Có 2.800 công nhân, Công ty giầy Hồng Bảo, Đông Anh dùng quỹ dự phòng để trả lương cho người lao động. Thu nhập mỗi công nhân giảm từ 1-2 triệu đồng/tháng nhưng bù lại họ vẫn giữ được việc làm. Công ty còn dự định vẫn thưởng Tết như năm ngoái.
San sẻ việc làm là cách mà nhiều doanh nghiệp đang làm để giữ chân người lao động. Người lao động được bố trí làm việc luân phiên các ngày trong tuần nhằm đảm bảo ai cũng có việc và thu nhập để duy trì cuộc sống.
Dù còn khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khẳng định họ sẽ tìm kiếm các đơn hàng mới để đảm bảo việc làm cho người lao động nhất là những tháng cuối năm này.
Theo thông tin từ ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ duy trì 30-50% công suất so với trước. Để giảm gánh nặng chi phí, phần lớn doanh nghiệp không tăng ca, nghỉ ngày thứ 7 hoặc 1 tuần làm 3 ngày. Nhưng không có chuyện doanh nghiệp cắt giảm lao động.
Phần lớn các doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến quý I/2023 nên vẫn duy trì được việc làm cho người lao động. Sẽ không có hiện tượng sa thải đồng loạt hay không có thưởng Tết. Việt Nam vẫn đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều công ty mới đang được xây dựng nên chuyện thiếu đơn hàng sẽ được giải quyết sớm.
Gần 625 nghìn lao động thiếu - mất việc làm
Thống kê của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy có đến gần 625 nghìn lao động bị ảnh hưởng, trong đó có 31 nghìn lao động bị chấm dứt hợp động, khoảng 30 nghìn lao động đang tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ không lương chờ việc, số còn lại chỉ thiếu việc làm. Tình trạng thiếu việc làm xảy ra trên diện rộng nhưng số công ty cắt giảm lao động rất ít.
Trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, người lao động và người sử dụng lao động cần đồng lòng để vượt qua khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!