Những người không có giấy tờ tùy thân sẽ được rà soát, cấp căn cước trong thời gian tới đó là yêu cầu của Đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh trong buổi đi làm việc với chính quyền địa phương mới đây, nơi có trẻ chưa được cấp giấy tờ tùy thân.
Làm việc tại Cơ sở bảo trợ giáo dục Thảo Đàn, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc cơ sở cho biết, trong hơn 30 năm thành lập, cơ sở đã nhận được hàng ngàn yêu cầu nhờ hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân cho trẻ.
Chỉ trong năm 2023, cơ sở đã nhận được yêu cầu được giúp đỡ cấp giấy tờ tùy thân của 27 trẻ, từ 6 tuổi đến 18 tuổi. Cá biệt, một số em đã trưởng thành nhưng không có giấy tờ tùy thân nên trở lại cơ sở nhờ trợ giúp. Theo quy định của luật hiện nay, công dân khi thực hiện cấp căn cước công dân phải có thường trú và việc giải quyết này đang bị vướng. Do đó, giám đốc cơ sở đề xuất, cần có cơ chế riêng để giải quyết những trường hợp đặc biệt này.
Vướng khai báo tạm trú tạm vắng cũng là tình trạng chung của một số cơ sở, lớp học tình thương hiện nay trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố đã làm việc tại lớp học tình thương phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức. Lớp học đã mở ra và duy trì được 8 năm. Nhưng trong 60 em chỉ có 32 em được gửi đến trường công lập, 28 em còn lại chưa có giấy khai sinh nên chưa thể đi học, vì nhiều lý do: dân nhập cư, không có đăng ký tạm trú tạm vắng, cha mẹ không quan tâm hoặc trốn viện về nên giấy tờ không đầy đủ.
Ngày 1/7, Luật Căn cước có hiệu lực, các trường hợp chưa đăng ký thường trú vẫn được cấp căn cước công dân. Ban Văn hóa Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh khẳng định, trên địa bàn TP có 2 triệu trẻ em thì 2 triệu trẻ em này bắt buộc phải làm giấy tờ. Nếu trong quá trình thực hiện có những trường hợp không làm được, các cơ quan liên quan phải nêu rõ nguyên nhân và phải tập trung giải quyết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!