Trẻ bị tay chân miệng lòng bàn tay, chân thường bị nổi các bọng nước. (Ảnh: TTXVN)
Thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhi phải nhập viện.
Theo các bác sĩ, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hàng năm có 2 thời điểm bệnh tay chân miệng bùng phát, đó là từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 12. Đây là thời điểm trẻ đi học, nguy cơ lây lan cao hơn, dẫn đến số lượng trẻ mắc bệnh cũng tăng cao.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo các bậc phụ huynh, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Cho đến nay, bệnh vẫn chưa có vaccine dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như: rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.
Một vấn đề hết sức quan trọng mà phụ huynh cần lưu ý đó là theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng của bệnh để đưa trẻ đến cơ sở điều trị sớm, tránh xảy ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài TP Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên cũng ghi nhận số bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng cao. Riêng tỉnh Đắk Lắk, 3 tháng đầu năm nay đã có 250 trẻ mắc bệnh, tập trung nhiều ở TP Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Buôn Đôn và Cư M'gar.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!