Nhập viện trong tình trạng rối loạn sinh tủy, cần truyền máu khẩn cấp, để duy trì sức khỏe, các bác sĩ phải thay đổi nhiều giải pháp điều trị cho bệnh nhân và theo dõi tích cực nhằm tránh trường hợp bệnh tiến triển xấu.
"Nhập viện vào đây thiếu máu, bác sĩ xét nghiệm, máu hơi hiếm, chờ 1 - 2 ngày mới có máu truyền", ông Phạm Cầm Quyền, xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, chia sẻ.
Kho dự trữ máu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, hơn một nửa tủ chứa trong tình trạng trống suốt 2 tuần qua, riêng nhóm máu hiếm đã cạn kiệt hoàn toàn. Đăng ký nhu cầu máu theo ngày, tuy nhiên ít nhất 3 ngày, bệnh viện mới được Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ phân bổ 5 - 7 đơn vị máu, con số này chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu thực tế điều trị và cấp cứu.
Công đoạn tách hồng cầu. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Chế phẩm máu tiểu cầu còn nhiều khó khăn, phải đăng ký trước, có lúc có, có lúc không, đôi khi phải chờ 7 - 10 ngày mới được truyền máu", bác sĩ CK1 Phạm Thị Hồng Liên, Phó Trưởng khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, cho biết.
Nguyên nhân cạn kiệt nguồn máu là do Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ, đơn vị cung cấp máu cho hầu hết các cơ sở y tế tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp khó trong thực hiện công tác đấu thầu mua sắm vật tư và trang thiết bị y tế. Tác động này khiến các chương trình hiến máu nhân đạo của tỉnh Đồng Tháp cũng phải tạm hoãn kể từ tháng 3/2023.
"Lượng máu trong dân rất nhiều. Người hiến máu ở các địa phương cứ hỏi tại sao không tổ chức hiến máu trong nhiều tháng qua. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến công tác vận động trong thời gian tới", ông Nguyễn Hữu Thời, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Đồng Tháp, cho hay.
Trong 15 năm qua, ĐBSCL chưa bao giờ thiếu máu trầm trọng và kéo dài như hiện nay. Nguồn máu hạn chế không chỉ gây khó khăn cho công tác cấp cứu, mà về lâu dài, tình trạng này sẽ tạo áp lực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nếu không sớm gỡ khó câu chuyện về nguồn máu.
Trước đó, vào ngày 31/10, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND TP Cần Thơ, Sở Y tế TP Cần Thơ, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và các trung tâm truyền máu, yêu cầu phải bảo đảm cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện vùng này. Bộ Y tế khẳng định, nếu tình trạng thiếu máu kéo dài tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải xem xét hình thức kỷ luật với những trường hợp không làm hết trách nhiệm, nếu có (trong việc mua sắm đủ vật tư, túi máu, sinh phẩm) ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!