Cận cảnh lọc máu nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Anh Thư
Đẩy 3kg chất thải ra khỏi cơ thể
11 giờ trưa 16/10, chị Đ.T.N.G. (31 tuổi, ngụ TP. Hồ Chí Minh) bắt đầu ca chạy thận đầu tiên trong tuần tại khoa Thận học - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh. Để đảm bảo người bệnh có đủ sức khỏe chạy thận kéo dài 4 tiếng liên tục, điều dưỡng Phan Văn Hiền kiểm tra sức khỏe, đo cân nặng, mạch, huyết áp, chỉ số đường huyết cho chị. Các chỉ số này nhằm theo dõi kết quả trước và sau lọc máu cho người bệnh.
Sau khi sát trùng, điều dưỡng Hiền đặt hai cây kim có gắn ống mềm vào tay trái người bệnh, nơi có đường mạch máu (cầu nối động tĩnh mạch dành riêng để lọc máu - FAV), rồi kết nối với máy chạy thận nhân tạo. Lượng máu lẫn độc chất, chất thải từ từ chảy qua ống dẫn thứ nhất, đi vào máy. Bộ lọc máy tách chiết các thành phần máu, chỉ giữ lại "máu sạch" và đưa trở lại cơ thể qua ống dẫn thứ hai.
Trong khoảng 4 giờ, máy chạy thận hoạt động liên tục, lọc máu và hơn 3kg dịch thừa tích trữ trong cơ thể, để người bệnh từ hơn 40kg về trọng lượng thực (cân khô) còn 37kg.
Chị G. là bệnh nhân trẻ tuổi nhất đang lọc máu tại khoa Thận học - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh hiện nay.
G. phát hiện suy thận giai đoạn 3 cuối năm ngoái, khi tăng cân nhanh, hai chân phù to, đi tiểu rất ít, da sạm, người mệt mỏi kéo dài. Đây là biến chứng của bệnh đái tháo đường mạn tính mà G. mắc từ năm 17 tuổi. Suy thận diễn tiến nhanh sang giai đoạn cuối chỉ trong vài tháng. Hai thận mất toàn bộ chức năng. Cách duy nhất để chị có thể sống khỏe là ghép thận, tuy nhiên, chị chưa tìm được người cho thận phù hợp và điều kiện kinh tế còn eo hẹp. Do đó, G. đến bệnh viện chạy thận nhân tạo định kỳ 3 lần mỗi tuần, vào thứ 2-4-6 để lọc máu duy trì sự sống.
Chị G. vừa lọc máu, vừa trò chuyện với điều dưỡng. Ảnh: Anh Thư
Ở giường kế bên, ông Tr.T.K. (62 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) đã chạy thận hơn 6 năm. Ông từng chạy thận tại nhiều bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh, cuối cùng chọn BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh chạy thận lâu dài vì máy móc mới, nhập khẩu từ các nước châu u, cơ sở khang trang sạch sẽ và theo ông là "ít biến chứng, được chăm sóc tận tình, chu đáo nhất. Đặc biệt, ông rất an tâm vì phòng chạy thận luôn có ít nhất một bác sĩ và 4-5 điều dưỡng túc trực để vận hành máy lọc máu, theo dõi sát tình trạng bệnh. Đây là nguồn động viên lớn với người bệnh và thân nhân".
Kệ chiếc máy chạy thận đang hút/đẩy máu ra vào cơ thể theo vòng tuần hoàn liên tục, người đàn ông thư giãn nghe nhạc, đọc báo, xem chương trình giải trí trên tivi, hoặc nói chuyện với các bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân khác. Ông cho biết, do đái tháo đường, tăng huyết áp và suy thận lâu năm, các mạch máu trong cơ thể đã xơ vữa, xơ cứng nhiều, cơ hội ghép thận thành công thấp. Vì thế, ông chưa có ý định ghép thận, chấp nhận sống chung với máy chạy thận đến cuối đời.
"Nhờ chạy thận, tôi vẫn có thể sống vui vẻ bên gia đình. Bệnh viện giờ cũng là nhà", ông K. nói.
Hiện sức khỏe hai người bệnh ổn định. Để đạt được như vậy là nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ khoa Thận học - Lọc máu, bởi tình trạng lúc mới nhập viện của hai người bệnh được đánh giá "rất nghiêm trọng". Bác sĩ CKII Võ Thị Kim Thanh, Phó khoa Thận học - Lọc máu, cho biết lúc mới nhập viện, chị G. đã suy kiệt, phù toàn thân, viêm phổi nặng, khó thở, tràn dịch đa màng (màng bụng, màng phổi, màng tim), đường huyết tăng rất cao, FAV bị hỏng do có cục máu đông. Các bác sĩ mất hơn 1 tuần điều trị để giải quyết tình trạng viêm phổi, phù (rút hơn 9kg dịch thừa), dư kí, tràn dịch…
Trong lúc điều dưỡng vận hành máy lọc máu, ông K. xem tivi và nghe nhạc. Ảnh: Anh Thư
Còn bệnh nhân K. huyết áp tăng giảm thất thường. Ông thường xuyên ngất xỉu do hạ huyết áp sau khi lọc máu hoặc huyết áp tăng rất cao, có thể lên tới 200/160mmHg (bình thường là 120/80 mmHg). Điều này khiến tim người bệnh làm việc kém hiệu quả. Trong khi đó, ông có cơ địa rất nhạy cảm với thuốc hạ huyết áp, chỉ cần uống nửa viên, huyết áp tụt nhanh xuống mức bình thường.
Các bác sĩ dành nhiều thời gian để tính toán và kết hợp các phương án điều trị: thăm dò loại thuốc huyết áp phù hợp, điều chỉnh các thông số của máy lọc máu, điều chỉnh cân nặng… thì mới ổn định được tình trạng.
Chạy thận nhân tạo - giải pháp tối ưu cho người suy thận
Theo Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa, đây là hai trong hơn 30 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đang lọc máu định kỳ tại bệnh viện hiện nay.
Hội Thận học thế giới ước tính khoảng 850 triệu người đang có bệnh mạn tính ở thận, khoảng 3 triệu người bệnh đang phải duy trì sự sống nhờ lọc máu. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, song ước tính khoảng 5 triệu người bị suy thận, hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Với người bệnh suy thận giai đoạn cuối cần điều trị thay thế thận khoảng 800.000 người, chiếm 0,1% dân số.
Bệnh thận giai đoạn cuối (giai đoạn 5 hay suy thận mạn) xảy ra khi thận tổn thương rất nặng, mất gần hết hoặc mất hoàn toàn chức năng, không đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Độ lọc cầu thận (lượng máu được lọc qua thận trong một đơn vị thời gian, thường tính bằng phút) ở mức kém nhất (dưới 15mL/ph/1,73 m2). Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh là đái tháo đường (tiểu đường), tăng huyết áp và bệnh cầu thận. Suy thận phần lớn phát hiện ở giai đoạn muộn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Hiện BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh thực hiện 3 ca lọc máu mỗi ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Ảnh: Anh Thư
Lọc máu (gồm chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng) và ghép thận là hai lựa chọn cuối cùng, nhằm kéo dài sự sống của bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Tùy tình trạng sức khỏe, điều kiện kinh tế, bác sĩ đưa ra các phương án phù hợp để người bệnh và thân nhân lựa chọn.
Ghép thận là cách tốt nhất, tăng cơ hội sống lâu, có thể trở về cuộc sống gần như bình thường, tức là có thể đi làm, có con… đối với người suy thận mạn. Mặc dù vậy, không phải ai cũng có thể ghép thận, vì nhiều lý do như nguồn thận từ người cho sống và người cho chết não rất khan hiếm, kinh phí lớn, phẫu thuật viên phải có chứng chỉ ghép thận với tay nghề cao… Sau phẫu thuật nguy cơ thải ghép với tạng hiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào, người bệnh phải duy trì uống thuốc chống thải ghép suốt đời.
Trong khi đó, lọc máu dù không thể chữa khỏi bệnh nhưng giúp người bệnh duy trì sự sống chờ đợi đến lúc thích hợp để ghép thận, thậm chí đến cuối đời. Bác sĩ Tạ Phương Dung cho biết tỷ lệ bệnh nhân suy thận mạn chạy thận nhân tạo ở Việt Nam tương đối cao, khoảng 80%, lọc màng bụng khoảng 5% và ghép thận là 15%. Chạy thận nhân tạo được xem là phương pháp tối ưu nhất hiện nay với người suy thận giai đoạn cuối.
Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu bên ngoài cơ thể bằng một loại máy chuyên dụng. Máy lọc máu sẽ bơm máu của người bệnh qua bộ lọc, rồi đưa máu trở lại cơ thể. Màng lọc của máy giữ lại những tế bào máu, protein và các chất quan trọng khác, loại bỏ những chất thải như ure, creatinin, kali, chất lỏng thừa ra khỏi máu. Máy lọc giúp người bệnh kiểm soát huyết áp và duy trì cân bằng chất lỏng, khoáng chất trong cơ thể. Tuy nhiên, một số chất độc không thể được loại bỏ hoàn toàn.
Gần đây, kỹ thuật lọc thận HDF online được cải tiến từ chạy thận nhân tạo truyền thống đã được ứng dụng, giải quyết những điểm lọc máu thông thường không làm được. Bác sĩ Kim Thanh cho biết, kỹ thuật lọc thận HDF online với nguồn nước siêu tinh khiết, sử dụng màng lọc hiệu quả cao, mang lại nhiều ưu điểm vượt trội hơn. Nhờ đó giảm bớt các triệu chứng trong lúc chạy thận (như ngứa, mệt mỏi, sạm da), giảm bớt số lần nhập viện và tỷ lệ tử vong, giảm biến chứng tim mạch, ổn định huyết áp và giảm thiếu máu.
Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) là phương pháp sử dụng chính màng bụng (phúc mạc) của người bệnh để lọc nước dư thừa và các chất cặn bã vào dịch trong ổ bụng rồi được thải ra ngoài theo một đường ống. Phương pháp này khá đơn giản, nhưng người bệnh cần lọc màng bụng hàng ngày, tự thực hiện tại nhà bằng tay hoặc bằng máy.
"Tiên lượng sống của người bệnh suy thận giai đoạn cuối không cao. Nhưng nếu đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, người bệnh có thể sống thêm 20 năm, hoặc hơn", bác sĩ Phương Dung nói.
Để đạt hiệu quả điều trị cao nhất, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, gồm duy trì chạy thận đúng lịch, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp của bệnh nhân suy thận, uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý thay đổi. Nếu có bất thường trong cơ thể người bệnh phải báo ngay với bác sĩ điều trị của mình.
20h ngày 20/10, chương trình tư vấn trực tuyến "Bệnh thận và lọc máu" phát trên báo điện tử https://vtv.vn/, https://thanhnien.vn/, https://tamanhhospital.vn/; livestream trên Ứng dụng VTVGo của Đài truyền hình Việt Nam. Ứng dụng xem truyền hình trực tuyến THVLi - Đài truyền hình Vĩnh Long; livestream trên các fanpage Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Đài truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Vĩnh Long, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Trung tâm Tiêm chủng trẻ em và người lớn VNVC, fanpage Tiết niệu - Nam học BVĐK Tâm Anh; kênh Youtube Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Youtube Tiết niệu Nam học Tâm Anh, Youtube Báo Thanh Niên, Đài THVL; tiếp sóng trên fanpage VnExpress.net của Báo điện tử VnExpress, fanpage Báo Thanh Niên của báo Thanh Niên.
Chương trình cung cấp thông tin về bệnh thận, triệu chứng, phương pháp điều trị như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và khuyến cáo của bác sĩ với người bệnh. Các bác sĩ khoa Thận học - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tham gia tư vấn gồm TTƯT BS CKII Tạ Phương Dung, BS CKII Võ Thị Kim Thanh, BS CKII Ngô Đồng Dũng. Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được tư vấn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!