Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được đang lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, nhiều đề xuất nổi bật như 2 phương án rút BHXH 1 lần; Giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (có thể tham gia ở tuổi 45-47. Một số địa phương đã góp ý về việc lấy 70% thu nhập làm cơ sở đóng BHXH. Ngoài ra, còn có đề xuất nghỉ việc 3 tháng được rút BHXH 1 lần.
Mục tiêu đến năm 2030, 60% người trong độ tuổi lao động tại Việt Nam tham gia vào BHXH, tuy nhiên, thời điểm này, độ bao phủ mới chỉ đạt 30%. Mặt khác, cứ 1 người tham gia mới vào lưới an sinh này thì cũng có gần 1 người rút ra. Đây cũng chính là bài toán đặt ra đối với dự thảo Luật BHXH sửa đổi.
Với khoảng 1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, vì vậy, dù tỷ lệ nợ đọng BHXH 6 tháng đầu năm 2023 tại Bình Dương chỉ là 3%, nhưng đã có không ít trong số 54.000 lao động ngừng làm việc bị ảnh hưởng về quyền lợi. Trong khi đó, chế tài xử lý không hề dễ dàng ngay cả với biện pháp xử phạt hành chính
Bình Dương đã nộp 33 hồ sơ khởi kiện ra tòa nhưng cũng như TP Hồ Chí Minh, chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử. Chính vì vậy, niềm tin vào mạng lưới an sinh BHXH từ người lao động càng thêm lung lay.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đặt vấn đề có cần thay đổi quy định rút BHXH một lần như hiện nay không khi không ít người biết việc tham gia lưới an sinh này lâu dài sẽ có nhiều lợi ích, nhưng vẫn rút? Giám đốc BHXH Đồng Nai cho rằng cần thay đổi nhưng phải cân bằng giữa lợi ích và quy định.
Theo chuyên gia từ tổ chức lao động quốc tế, trên thế giới chỉ có Việt Nam và 1 quốc gia nữa cho phép rút BHXH 1 lần. Vì vậy, nếu thay đổi chính sách này, cần có lộ trình cũng như chính sách hỗ trợ người lao động được vay vốn lúc khó khăn, tránh việc rút BHXH 1 lần để đáp ứng nhu cầu cấp thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!