"Cắt vụn" các tập phim, chèn nhạc, xóa logo của đơn vị sản xuất…, hàng loạt chiêu trò được các đối tượng sử dụng để lách "luật", khai thác trái phép tác phẩm.
Chỉ cần gõ từ khóa "Gia đình mình vui bất thình lình", hàng loạt video bị cắt xén trên các kênh không phải của Đài Truyền hình Việt Nam đã hiện ra. Đây cũng chỉ là một trong rất nhiều bộ phim đang ăn khách của VFC bị vi phạm bản quyền.
"Sự vi phạm này diễn ra ở rất nhiều chương trình, các chương trình giải trí, thể thao, thời sự. Gần đây nhất là rất nhiều phim truyền hình ở Đài. Không những ảnh hưởng thiệt hại tình hình kinh doanh sản xuất của Đài, ngoài ra nhiều chủ thể vi phạm còn sử dụng những chương trình này để câu khách, dẫn đến sau này có thể có những bình luận, chia sẻ mang tính lệch lạc, ảnh hưởng đến nội dung phim", ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Trưởng Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết.
Không chỉ các cá nhân, tổ trực trực tiếp cắt xén, đăng tải các nội dung vi phạm bản quyền, mà chính những nền tảng trung gian như TikTok cũng phải chịu trách nhiệm. Đây là quy định mới đã được áp dụng từ 1/1/2023.
"Đối với những đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, ví dụ ở đây như TikTok, những đơn vị này theo quy định tại Điều 198b, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung mới nhất và đang có hiệu lực thi hành, đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian phải có nghĩa vụ gỡ những thông tin vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp đơn vị này không gỡ bỏ nội dung vi phạm cũng bị coi là thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Mức xử phạt lên tới 150 triệu đồng", Luật sư Hà Thị Kim Liên, Văn phòng Luật sư Phan Law Việt Nam, cho hay.
Mỗi tác phẩm phim đều là công sức, tâm huyết của cả đội ngũ ê-kíp sản xuất. Tôn trọng bản quyền chính là cách mỗi khán giả khuyến khích cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ và cũng là cách nâng cao chất lượng thưởng thức nghệ thuật của bản thân mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!