Thoát nghèo bền vững: Tạo điều kiện cho người nghèo sử dụng hiệu quả chiếc "cần câu"

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 13/12/2022 20:24 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

Để giữ vững và phát huy những thành tựu vừa qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thực hiện chiến lược: đổi mới cách tiếp cận trong giảm nghèo.

Động lực xóa nghèo ở vùng lõi nghèo

Từ năm 2019 đến nay, mô hình sử dụng bã rượu để chăn nuôi đã đem lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông bà Nông Văn Thực, thành viên hợp tác xã An Lập, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi thay vì đổ ra ao hồ không chỉ giúp cải thiện kinh tế mà còn giúp môi trường sống của người dân được tốt hơn. Từ đàn bò chỉ có 2 con, đến nay, gia đình bà Như đã nhân rộng đàn lên tới hơn 30 con, mỗi năm thu được hàng trăm triệu đồng.

Huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là một trong 74 huyện nghèo của cả nước, có hơn 50% là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Những năm qua, các hợp tác xã trên địa bàn huyện Sơn Động đóng vai trò tiên phong trong việc liên kết các hộ nông dân, góp phần hình thành các vùng sản xuất an toàn, đạt chuẩn.

Thoát nghèo bền vững: Tạo điều kiện cho người nghèo sử dụng hiệu quả chiếc cần câu - Ảnh 1.

Như mô hình trồng cây dược liệu đã và đang mang lại việc làm, thu nhập ngày càng cao cho người dân. Được hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật, đến nay mô hình trồng cây dược liệu tại xã Dương Hưu đã thu hút sự tham gia của hàng chục hộ gia đình. Giá trị kinh tế cao gấp 5 đến 10 lần so với trồng cây lâm nghiệp.

Bên cạnh việc hỗ trợ sinh kế, nguồn vốn chính sách đã tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, xuất khẩu lao động. Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sơn Động hiện đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách.

Có thể khẳng định, với những giải pháp triển khai đồng bộ, nỗ lực quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội, UBND huyện Sơn Động đã xây dựng Đề án đến năm 2025 đưa huyện Sơn Động thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn trình UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt theo đúng tiến độ và hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Khuyến khích người dân chủ động giảm nghèo

Sau 10 năm thực hiện, chính sách giảm nghèo bền vững đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều làng quê. Điều đó một phần là nhờ cách tiếp cận giảm nghèo bền vững hơn, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không. Chính cách làm này đã giúp người dân phát huy được vai trò chủ động, sáng tạo trong xoá đói giảm nghèo.

Tại xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, mỗi hộ tham gia mô hình "nuôi bò sinh sản" sẽ tự chọn mua con giống, xã trả tiền trực tiếp cho người bán với số tiền là 20 triệu đồng/hộ. Nếu các hộ chọn mua con giống có giá trị cao hơn so với định mức quy định, phần chênh lệch các hộ phải đóng góp thêm, ngược lại con giống có giá trị thấp hơn so với định mức thì phần còn lại gửi cho các hộ để hỗ trợ xây dựng chuồng trại hoặc mua thức ăn.

Để giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, mỗi địa phương có những cách làm khác nhau. Trong đó, phương thức hỗ trợ hộ nghèo chuyển từ cho không sang trợ giúp một phần, có đối ứng. Nhiều mô hình liên kết sản xuất đã ra đời nhằm tạo điều kiện cho người nghèo sử dụng hiệu quả chiếc "cần câu", giảm nghèo bền vững.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ có điều kiện, một phần, người dân, các tổ chức cùng chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện các chương trình giảm nghèo đã giúp xóa bỏ tư tưởng "trông chờ, ỷ lại". Nhờ đó, người dân cũng phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm trong việc giảm nghèo cho chính mình và xã hội.

Những việc cần làm cho người nghèo

Chương trình giảm nghèo quốc gia đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5 %/năm, 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5 %/năm.

Có thể khẳng định, trong 3 thập kỷ vừa qua, xoá đói giảm nghèo luôn là lĩnh vực đạt được nhiều thành công ấn tượng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

Cùng với phát triển kinh tế, hàng loạt chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và các tổ chức xã hội quốc tế đã cải thiện đáng kể diện mạo các vùng nghèo trong cả nước, tuy nhiên, vẫn cần hơn nữa những chương trình hỗ trợ thoát nghèo thực tế và hiệu quả, bởi giữa thoát nghèo và tái nghèo là 1 ranh giới vô cùng mong manh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước