Trong các tỉnh Nam Trung Bộ, Ninh Thuận và Bình Thuận là hai địa phương chịu tác động lớn nhất của hạn hán. Khó khăn của năm 2015 chưa được khắc phục triệt để, đợt hạn kỷ lục được dự báo sẽ diễn ra vào tháng 3/2016 càng khiến cho người dân lo ngại. Dự kiến trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ có thêm 10.000ha phải dừng sản xuất; địa phương phải di chuyển đàn gia súc tới nơi có nước.
Tại hồ Ông Kinh trên địa bàn xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, nơi được đánh giá là khu vực nắng nóng nhất của tỉnh Ninh Thuận, với dung tích trên 8.000m3 nước, trong 3 năm trở lại đây, hồ ông Kinh luôn trong tình trạng cạn kiệt.
Tại thời điểm này, vẫn có hàng trăm ống nối xuống dưới lòng hồ với hy vọng có thể lấy được nước. Người dân địa phương cho biết, trong trường hợp có nước, người dân phải trả 30 triệu đồng cho 1 mũi khoan. Trong năm 2015, người dân trên toàn khu vực huyện Ninh Hải đã phải bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng để có thể tìm kiếm được nguồn nước.
Để tìm hiểu rõ hơn những tác động của khô hạn tới tình hình sản xuất, đời sống người dân tỉnh Ninh Thuận và những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài của địa phương để có thể đối phó khi hạn hán còn kéo dài ít nhất đến tháng 6, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.