Nhằm nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu cho các sư đoàn phòng không - không quân trên toàn miền Bắc, từ ngày 14 - 16/10, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức diễn tập đánh địch tiến công hỏa lực đường không bảo vệ các mục tiêu trọng yếu được giao với mật danh MB23. Đây là đợt diễn tập với quy mô lớn, chia làm 4 giai đoạn: Chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tổ chức chuẩn bị chiến đấu, thực hành chiến đấu, khôi phục sức chiến đấu.
2h chiều, từng hồi kẻng báo động dồn dập vang lên trong căn cứ của tiểu đoàn tên lửa 18. Theo tin tình báo từ cấp trên, địch chuẩn bị tiến hành tập kích đường không vào vị trí đóng quân của đơn vị. Toàn bộ tiểu đoàn được lệnh khẩn trương thu hồi khí tài để triển khai chiến đấu tại trận địa mới.
Thượng úy Vũ Xuân Dũng - Đại đội trưởng đại đội 1 - Tiểu đoàn 18 - Trung đoàn tên lửa 257 cho biết: "Để thu hồi khí tài thì cán bộ chiến sỹ phải có đức tính kiên nhẫn, tỷ mỉ, các thao tác kỹ thuật phải chính xác và có độ cẩn trọng rất cao".
Cùng hành quân với tiểu đoàn 18 còn có 3 sư đoàn phòng không và 1 sư đoàn không quân. Đây là tình huống nằm trong kế hoạch diễn tập đánh địch tiến công hỏa lực đường không bảo vệ vùng biển, vùng trời miền Bắc.
21h tất cả các đơn vị hỏa lực phòng không như tên lửa, pháo cao xạ, radar, tác chiến điện tử đều đã chiếm lĩnh trận địa dã chiến. Những khẩu đội pháo phòng không tự hành ZSU 23 với mật độ hỏa lực dày đặc, tốc độ bắn cao cũng cơ động đến vị trí thuận lợi để chặn đánh máy bay địch bay thấp và UAV.
Thiếu tá Nguyễn Văn Long - Tiểu đoàn 5 - Trung đoàn 64 - Sư đoàn phòng không 361 cho biết: "Đường cơ động vào chiếm lĩnh trận địa rất hẹp, chỉ vừa 2 bánh xích, nên phải kết hợp với chỉ huy và kinh nghiệm của lái xe".
8h sáng hôm sau, những chiếc tiêm kích Su 30 từ các trung đoàn không quân 923, 927 được lệnh đồng loạt cất cánh, tiến hành chặn kích máy bay địch. Được bố trí tại các sân bay quân sự ở Thanh Hóa, Bắc Giang, bán kính tác chiến của các máy bay này có thể bảo vệ toàn bộ vùng trời, vùng biển miền Bắc. Những tình huống đối kháng, không chiến… liên tục được sở chỉ huy tiền phương đặt ra nhằm nâng cao năng lực tác chiến của chỉ huy và phi công.
"Cốt lõi là rèn luyện cho cán bộ chiến sỹ, đặc biệt là chỉ huy các sư đoàn nắm được tình hình trên thế giới phức tạp để có cách chỉ huy đơn vị sát tình hình thực tế", Thiếu tướng Vũ Hồng Sơn - Tham mưu trưởng quân chủng Phòng không - Không quân cho hay.
Sau khi những chiếc tiêm kích hoàn thành nhiệm vụ sẽ không về hạ cánh ở sân bay xuất kích mà thay vào đó là hàng chục chiếc máy bay Su 30 mô hình bơm hơi bố trí trên sân đỗ. Đây là những khí tài nghi binh, ngụy trang Việt Nam sản xuất nhằm thu hút hỏa lực địch cũng như bảo toàn lực lượng.
Mô hình được chế tạo với kích thước, hình dáng như radar điều khiển của tên lửa phòng không S300 thật, chỉ khác là tất cả được làm bằng vải bạt bơm hơi. Đây là hình thức ngụy trang sáng tạo giúp có thể nhanh chóng đặt những khí tài ngụy trang này tại các trận địa giả.
Để nội dung diễn tập sát với thực tế chiến đấu trong tình hình mới, các máy bay trực thăng Mi 17, Mi 171 mang theo máy phát nhiễu liên tục bay vòng quay các khu vực trận địa, kết hợp với đơn vị tác chiến điện tử liên tục phát xung nhiễu trên tất cả các dải tần số, gây khó khăn cho radar của các đơn vị hỏa lực bám bắt mục tiêu. Tuy nhiên với quyết tâm vạch nhiễu tìm thù, tín hiệu máy bay địch đã nhấp nháy trên màn hiện sóng của tiểu đoàn tên lửa 18.
Lưới lửa phòng không từ các đơn vị pháo cao xạ, pháo phòng không tự hành cũng góp phần tiêu diệt các mục tiêu bay thấp và UAV lọt vào trận địa. Với quân số lên đến hàng nghìn người cùng hàng trăm đơn vị vũ khí, khí tài hiện đại, đây là cuộc diễn tập lớn nhằm nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu cho các sư đoàn phòng không - không quân miền Bắc. Đồng thời bổ sung các phương án tác chiến, sát với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!