Nhiều quy định mới nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 29/11/2024 18:04 GMT+7

VTV.vn - Nghị định 147 đề ra các quy định mới về đăng ký tài khoản mạng xã hội, giới hạn thời gian chơi game và yêu cầu đối với các nền tảng cung cấp dịch vụ.

Trong bối cảnh các công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và trở thành công cụ làm việc, giải trí không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, trẻ em đang phải đối diện với hàng loạt những mối đe dọa trên không gian mạng như tiếp cận thông tin không phù hợp, bắt nạt trực tuyến, nghiện game hay nghiện mạng xã hội. Trong những năm gần đây, rất nhiều hoạt động về bảo vệ, hỗ trợ trẻ em đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đồng hành triển khai. Tuy nhiên, phải đến khi Nghị định 147 được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, các quy định về bảo vệ trẻ em trên mạng mới được luật hóa một cách cụ thể và chặt chẽ.

Nhiều quy định mới nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - Ảnh 1.

Nghị định 147 được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, luật hóa các quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Nghị định 147 có nhiều điểm mới đã luật hóa các yêu cầu bảo vệ trẻ em trên mạng, áp dụng cho các nền tảng dịch vụ trong nước và cả nước ngoài cung cấp xuyên biên giới. Quy định trẻ dưới 16 tuổi không được tạo tài khoản mạng xã hội. Cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ sẽ đăng ký tài khoản mạng xã hội có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ truy cập, đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Nghị định 147 cũng quy định rõ nền tảng xuyên biên giới, trang thông tin điện tử tổng hợp và đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước, đều có trách nhiệm phân loại và hiển thị cảnh báo những nội dung không phù hợp với trẻ em.

Theo ông Đỗ Dương Hiển, Chuyên gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tổ chức ChildFund Việt Nam cho biết, trước đây một số mạng xã hội đã đặt ra quy định yêu cầu trẻ em dưới 13 tuổi không được tạo tài khoản. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp vẫn có thể dễ dàng qua mặt các công cụ kiểm duyệt và tự đăng kí tài khoản. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ mạng và người dùng, cụ thể là cha mẹ và trẻ em.

"Hiện nay, nhiều trẻ nhỏ thường sử dụng tài khoản của cha mẹ để truy cập mạng. Nguyên nhân là do cha mẹ chưa có thói quen đăng kí tài khoản riêng cho con để trẻ tiếp cận các nội dung phù hợp với lứa tuổi. Vì vậy, cha mẹ cần theo dõi và đồng hành cùng con trong quá trình sử dụng internet", ông Đỗ Dương Hiển nhận định.

Nhiều quy định mới nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - Ảnh 2.

Nghị định 147 cũng quy định các nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm phân loại nội dung và ngăn chặn hiển thị những nội dung không phù hợp với trẻ em. Nghị định cũng siết chặt hơn đối với người chơi game dưới 18 tuổi, nhất là trong bối cảnh tỉ lệ trẻ em nghiện game có xu hướng ngày càng tăng, trở thành nỗi lo của nhiều gia đình. Cụ thể, trẻ dưới 18 tuổi sẽ không được chơi quá 60 phút/ngày đối với từng trò chơi, không quá 180 phút với tất cả các trò chơi. Doanh nghiệp cung cấp, nhà cung cấp game phải có hệ thống kỹ thuật để quản lý giới hạn thời gian này, các trò chơi phát hành sẽ phải dán nhãn độ tuổi và đưa thông tin khuyến cáo người chơi trên màn hình thiết bị, tài khoản người chơi cũng phải được xác thực bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

Nhiều quy định mới nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - Ảnh 3.

Nghị định 147 quy định trẻ dưới 18 tuổi sẽ không được chơi quá 60 phút/ngày đối với từng trò chơi, không quá 180 phút với tất cả các trò chơi

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 70 – 80% số trẻ từ 10 – 15 tuổi thích game online, trong đó tỉ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10 – 15 %. Theo khảo sát của VR Space (nhà sáng tạo không gian thực tế ảo), Việt Nam nằm trong số 4 quốc gia có số lượng người dùng internet, chơi game nhiều nhất thế giới.

"Đối với trẻ em, nếu không được nhắc nhở thường xuyên và tuân thủ các quy định chặt chẽ, trẻ rất dễ sử dụng thiết bị liên tục cho đến khi hết pin hoặc điện thoại hết tiền. Vì vậy, cần phải có các giải pháp kỹ thuật để nhắc nhở trẻ tạm dừng trò chơi cho cơ thể được thư giãn, giúp mắt và tinh thần được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp với các quy định trong gia đình cũng như tại các cơ sở cung cấp dịch vụ internet công cộng", ông Đỗ Dương Hiển nhấn mạnh.

Nhiều quy định mới nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - Ảnh 4.

Cha mẹ cần theo dõi và đồng hành cùng con trong quá trình sử dụng internet

"Chúng tôi đã đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ phát triển bộ kết nối với đầu thu internet của mỗi gia đình, giúp phụ huynh theo dõi và cài đặt thời gian chơi game của trẻ em. Khi sản phẩm này được bán rộng rãi, phụ huynh có thể cài đặt bộ thiết bị này trên đầu thu internet của gia đình để quản lý việc sử dụng mạng của trẻ. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tài khoản đã được định danh cho trẻ em. Nếu thời gian sử dụng vượt quá 60 phút, sẽ có hình thức xử phạt nghiêm", ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.

Ông Đỗ Dương Hiển cho rằng, nếu không sử dụng mạng internet tại nhà, trẻ em vẫn có thể dùng mạng internet của hàng xóm hoặc dùng 3G, 4G từ chính thiết bị của mình. Vì vậy, việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ game áp dụng các giải pháp kĩ thuật phù hợp để kiểm soát tài khoản, đặc biệt là tài khoản của trẻ em là rất cần thiết.

Nhiều quy định mới nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - Ảnh 5.

Theo khảo sát của VR Space (nhà sáng tạo không gian thực tế ảo), Việt Nam nằm trong số 4 quốc gia có số lượng người dùng internet, chơi game nhiều nhất thế giới.

Gần đây, Australia đã công bố một dự luật đề xuất là sẽ cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Nếu như được thông qua, Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên thực thi lệnh cấm toàn quốc với trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội. Cũng rất nhiều quốc gia khác thời gian qua đã ban hành các quy định pháp lý rất mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em trên không gian số.

Nhiều quy định mới nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - Ảnh 6.

Tại Trung Quốc, có quy định hạn chế người dưới 18 tuổi truy cập vào internet từ thiết bị di động từ 10h tối đến 6h sáng hôm sau

"Tại Việt Nam, mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp tổng thể. Bao gồm thiết lập một đơn vị liên ngành có nhiệm vụ hướng dẫn về kỹ thuật và truyền thông cho các bộ, ngành, đơn vị kỹ thuật, công ty và cả cha mẹ, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng", ông Đỗ Dương Hiển cho biết thêm.

Cũng theo ông Đỗ Dương Hiển, từ quy định đến thực thi Nghị định sẽ gặp nhiều thách thức cần giải quyết. Thứ nhất, cần phải hiểu rõ hơn về cách thức trẻ em Việt Nam hiện nay sử dụng internet. Nghiên cứu của UNICEF chỉ dừng lại ở trẻ từ 12 tuổi trở lên và hầu như chưa có thông tin về trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi sử dụng internet ở Việt Nam ngày càng giảm, vì vậy cần có nghiên cứu cụ thể hơn. Thứ hai, làm sao để nhận thức của gia đình và trẻ em có thể đi cùng nhau. Rất nhiều người ủng hộ các quy định như giới hạn thời gian chơi game của trẻ em, nhưng không ít phụ huynh lại không làm gương cho con, ví dụ như vừa cấm con chơi game xong lại tự chơi cả đêm. Cuối cùng, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ và quản lý mạng xã hội cũng rất quan trọng. Hiện chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên, tạo ra khó khăn trong việc tìm ra các giải pháp chung để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trẻ em phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ khi bản thân lại chưa đủ kỹ năng để nhận diện và phòng tránh rủi ro ở trên mạng. Đây không chỉ là bài toán của riêng Việt Nam, mà là thách thức của toàn cầu. Nghị định 147 được xem là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng không gian mạng an toàn và lành mạnh tại Việt Nam. Trong kỳ họp lần này, Quốc hội cũng sẽ xem xét để thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em đang ngày càng hoàn thiện và trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn khỏi những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ môi trường số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước