Theo Nghị định 147 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 25/12 tới đây, chỉ những người dùng đã thực hiện xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới có thể đăng tải thông tin, bình luận, chia sẻ thông tin hay thực hiện livestream. Sau 2 tuần, kể từ khi nghị định được ban hành, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều phản hồi từ khán giả cũng như các chuyên gia trong đó kỳ vọng nghị định sẽ là cơ sở cho một không gian mạng minh bạch, tin cậy. Những vấn đề như mạo danh, lan truyền thông tin xấu độc hay thậm chí lừa đảo sẽ sớm được khắc chế.
Mạo danh - thủ đoạn quen thuộc của những kẻ lừa đảo trên không gian mạng
Dân số Việt Nam hiện nay vào khoảng 100 triệu người, trong đó có 79 triệu người sử dụng mạng internet hàng ngày để xem, đọc thông tin và kết nối với những người khác. Khoảng 73 triệu người có tài khoản mạng xã hội. Tuy nhiên số lượng tài khoản mạng xã hội chỉ tính riêng 4 mạng xã hội xuyên biên giới phổ biến nhất là Facebook, Youtube, Tiktok đã hơn 250 triệu tài khoản. Điều này có nghĩa trung bình mỗi người có tới hơn 3 tài khoản mạng xã hội. Ở trong thế giới vật lý thì mỗi người đã được cấp một căn cước công dân gắn chip để định danh còn ở trên các mạng xã hội thì không, việc lập 1 tài khoản hiện nay khá dễ dàng khi chúng ta chỉ cần sử dụng 1 email bất kỳ. Vì thế, khi bắt gặp một nội dung nào đó chẳng hạn như quảng cáo, thật khó một người dân bình thường có thể nhận ra, nó là quảng cáo mạo danh.
Việc lập 1 tài khoản hiện nay trên không gian mạng khá dễ dàng khi chỉ cần sử dụng 1 email bất kỳ do vậy tình trạng mạo danh, lừa đảo trên không gian mạng đang khá phổ biến.
Một tai nghe Airpods Pro 2 đang có giá hơn 5 triệu, nhân ngày đôi chỉ có giá 799.000đ. Giá siêu hời lại được đăng trên những tài khoản trùng tên, trùng giao diện với các công ty Digibox, Schannel hay thậm chí là những người nổi tiếng như Duy Luân, Duy Thẩm hay Huy NL, và không ít người bấm click rồi sập bẫy.
"Trong suốt năm vừa qua thì hình ảnh của Schannel cũng như rất nhiều cá nhân trong Schannel cũng đã bị lợi dụng để những kẻ xấu bán hàng chất lượng kém, hàng giả. Đặc biệt trong những ngày sale, các đối tượng sử dụng hình ảnh, thương hiệu để chạy quảng cáo trên những fanpage Facebook, đều là những fanpage mới tự lập. Việc này ảnh hưởng rất nặng tới danh dự, hình ảnh của Schannel cũng như cá nhân", ông Nguyễn Lạc Huy, Quản lý hệ thống kênh Schannel, phụ trách truyền thông CellphoneS chia sẻ.
Lập tài khoản để mạo danh thì dễ nhưng ở thời điểm hiện tại, rất khó để có thể xử lý.
Ông Nguyễn Lạc Huy, Quản lý hệ thống kênh Schannel, phụ trách truyền thông CellphoneS cho hay: "Biện pháp xử lý duy nhất hiện tại đó chính là report qua Facebook, vì những đối tượng này đều là những đối tượng ẩn danh, rất khó để tìm ra danh tính. Tuy nhiên việc report với Facebook cũng rất mất thời gian và có thể sau khi giải quyết các trường hợp này thì đối tượng có thể dễ dàng lập lại 1 fanpage mới không hề mất nhiều thời gian".
Không chỉ mạo danh trên các trang mạng xã hội, nhóm lừa đảo thậm chí còn mua luôn cả những website với đuôi .info.vn và tạo ra một giao diện giống hệt với website chính thức của CellphoneS để từ đó dẫn dụ các nạn nhân lên website giả mạo điền thông tin cá nhân với hy vọng nhận được gói khuyến mại tai nghe giá siêu rẻ.
Nghị định 147 sẽ khắc chế tình trạng lừa đảo, mạo danh
Theo Nghị định 147, chỉ những người dùng đã thực hiện xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới có thể đăng tải thông tin, bình luận, chia sẻ thông tin hay thực hiện livestream, việc này sẽ khắc chế được tình trạng lừa đảo, mạo danh.
Ông Nguyễn Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Các trường hợp vi phạm thì chúng ta sẽ tạm ngừng, các mức vi phạm cao thì chúng ta sẽ thu hồi, thậm chí là có thể thu hồi để phục vụ mục đích quản lý nhà nước về mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng".
"Thời gian tới tôi hy vọng các vụ việc lừa đảo sẽ giảm đi bởi khi chúng ta tiến hành xác thực những tài khoản đó thì ít nhất cơ quan công an sẽ xác minh được tài khoản thật sự đứng sau tài khoản đấy đăng ký dưới tên của các nhân nào, có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ cho cơ quan công an trong quá trình điều tra xác minh những tài khoản này", Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam - Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An cho hay.
Từ biểu đồ, chúng ta có thể nhận thấy mức độ quan tâm của người dân đối với Nghị định 147, đặc biệt là quy định về xác thực, định danh. Theo quy định này, để được cung cấp thông tin, nêu ý kiến hay cao hơn lá bán hàng trên mạng, livestream thì người dùng bắt buộc phải định danh bằng số điện thoại hoặc mã số định danh cá nhân.
Những phản hồi tích cực về các quy định của Nghị định 147
Việc yêu cầu xác thực các thông tin tài khoản ở trên mạng xã hội, người dùng sẽ phải có trách nhiệm hơn với những phát ngôn và nguồn gốc hàng hóa của mình, từ đó sẽ hạn chế được những tin giả mạo, hàng nhái, hàng giả, chất lượng kém.
Số liệu của trình duyệt Cốc cốc chỉ ra rằng chỉ trong 2 tuần đã có tới hơn 20 triệu lượt khán giả tìm kiếm, xem và đọc các bài viết về Nghị định 147, phần lớn trong số đó để lại phản hồi tích cực với quy định về xác thực và định danh.
"Điểm tích cực trong nghị định mà chúng tôi nhận thấy là việc yêu cầu xác thực các thông tin tài khoản ở trên mạng xã hội. Theo đó người dùng sẽ phải có trách nhiệm hơn với những phát ngôn của mình, với những chia sẻ thông tin ở trên mạng xã hội và từ đó chúng ta sẽ hạn chế được những tin giả mạo, tin sai sự thật, hạn chế được chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng", bà Mai Thị Thanh Oanh - Phó Tổng giám đốc nền tảng Cốc cốc cho hay.
Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng: "Ở đâu cũng thế thôi, chúng ta cần có một môi trường sống lành mạnh, có động lực, đem lại hiệu quả. Internet, môi trường số, online cũng vậy, chúng ta cần có sự tin cậy, căn cứ vào sự tin cậy thì các tương tác gia tăng, và khi đó đem lại nhiều giá trị cho đời sống kinh tế xã hội".
Theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông, Kinh tế số Việt Nam 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng 22%. Người dân và giới chuyên gia kỳ vọng Nghị định 147 sẽ là cơ sở để kiến tạo không gian internet Việt Nam minh bạch, tin cậy, thúc đẩy các hoạt động sống, hoạt động kinh doanh, đầu tư trên không gian số và đây cũng sẽ là cơ sở để kinh tế số Việt Nam có thể duy trì mức tăng trưởng 2 con số và đạt 30% GDP vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!