Mua sắm thiết bị y tế phòng dịch COVID-19 tại Thái Bình: Hầu hết các gói thầu đều có sai phạm

Anh Tuấn (VTV Digital)-Thứ năm, ngày 17/09/2020 21:08 GMT+7

Khu nhà kỹ thuật của CDC Thái Bình, nơi làm các xét nghiệm xác định COVID- 19 (Ảnh: Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình)

VTV.vn - Thanh tra tỉnh Thái Bình vừa công bố kết luận thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất vật tư tiêu hao trong phòng chống dịch COVID-19.

Theo kết luận thanh tra, năm 2020, Sở Y tế Thái Bình đã làm chủ đầu tư thực hiện 3 gói thầu với tổng giá trị hơn 43 tỉ đồng và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Thái Bình) làm chủ đầu tư 3 gói thầu, với tổng giá trị hơn 4,7 tỉ đồng. Tại hầu hết các gói thầu này đều có sai phạm với nhiều mức độ khác nhau.

Nhiều gói thầu xin giảm giá bất thường

Kết luận thanh tra về việc lựa chọn nhà thầu, thương thảo và ký kết hợp đồng cho thấy, tại một số gói thầu mua sắm đều có hiện tượng giá trị ký kết trên hợp đồng thấp hơn giá trúng thầu ban đầu. Cụ thể, tại gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Nhi, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, với mức giá 19,3 tỉ đồng, nhưng khi ký hợp đồng đã giảm xuống còn 17,9 tỉ đồng.

Còn gói thầu mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Real Time-PCR cho CDC Thái Bình, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc, với mức giá trúng thầu là gần 6,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi trên hợp đồng lại được giảm xuống chỉ còn 5,8 tỉ đồng.

Gói thầu mua sắm trang thiết bị tại 11 bệnh viên đa khoa tuyến huyện do Công ty TNHH sản xuất thương mại Trần Lê cung cấp với giá 20,6 tỉ đồng, nhưng đến khi ký hợp đồng cũng đều đã giảm xuống còn 18,5 tỉ đồng.

Trong kết luận này, Thanh tra tỉnh Thái Bình đã không làm rõ vì sao trúng thầu một giá, nhưng khi ký hợp đồng thì đều được giảm giá.

Hàng loạt sai phạm của các doanh nghiệp thẩm định giá

Kết luận thanh tra cho rằng việc chỉ định đơn vị thẩm định giá của Sở Y tế Thái Bình và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Các công ty được chỉ định thẩm định giá và thẩm định viên đều thuộc danh sách đủ điều kiện hành nghề.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định giá, các thẩm định viên đã vi phạm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Cụ thể là không tuân thủ quy trình thẩm định giá. Kiểm tra các hồ sơ thẩm định giá đều không có biên bản khảo sát thực tế, không có tài liệu thể hiện kết quả thu thập thông tin và phân tích thông tin các giao dịch chào bán với điều kiện tại thời điểm thẩm định giá của thẩm định viên.

"Kiểm tra thực tế, các thẩm định viên chỉ lấy mức giá thấp nhất trong 3 báo giá, không thu thập các thông tin giá thị trường để so sánh, có sự điều chỉnh" - kết luận chỉ rõ.

Theo kết luận thanh tra, báo giá trong hồ sơ thẩm định giá của Công ty cổ phần thẩm định giá BTCvalue đối với trang thiết bị y tế trang bị cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Nhi có thông tin không có thực. Trong cả 3 báo giá đều nêu mặt hàng "Máy điện tim 3 kênh Model ECG-2150, hãng sản xuất Nihon Kohden, xuất xứ Nhật Bản", nhưng hãng sản xuất này có văn bản khẳng định không có máy điện tim 3 kênh Model ECG-2150.

Trong 3 báo giá có thông tin không đúng nêu trên có báo giá của Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật và Công nghệ Việt Nam là nhà thầu trúng gói thầu này.

Ngoài ra, chứng thư thẩm định giá và các tài liệu kèm theo của Công ty cổ phần thẩm định giá AVALUE trong hồ sơ cung cấp cho đoàn thanh tra và trong hồ sơ lưu tại Sở Tài chính cũng không trùng khớp.

"Hồ sơ thẩm định giá cung cấp cho đoàn thanh tra có thông tin về giá làm căn cứ thẩm định và được lấy trên mạng internet không có thời điểm thu thập thông tin, không có xác nhận nhà cung cấp. Còn hồ sơ cung cấp cho Sở Tài chính là các báo giá cụ thể của các nhà cung cấp" - kết luận thanh tra chỉ rõ.

Đặc biệt, việc thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá tài sản cấp tỉnh đã không tuân thủ trình tự thẩm định giá tài sản, không bảo đảm nguyên tắc chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá.

"Hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh không phát hiện, xử lý kịp thời, tiếp tục sử dụng các báo giá không đầy đủ thông tin, thông tin không trung thực làm cơ sở cho thông báo kết quả thẩm định giá; không có tài liệu thể hiện việc khảo sát thị trường, không thu thập thêm được thông tin làm căn cứ thẩm định giá; giá trị thẩm định tài sản đều bằng giá trị các chứng thư thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá" - kết luận nêu.

Mua sắm thiết bị y tế phòng dịch COVID-19 tại Thái Bình: Hầu hết các gói thầu đều có sai phạm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Nhiều tiêu cực trong gói thầu mua sắm thiết bị xét nghiệm COVID-19

Đối với gói thầu mua sắm thiết bị tại CDC Thái Bình, Thanh tra tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị cung cấp là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc đã có nhiều vi phạm trong hồ sơ như: số liệu báo cáo tài chính năm 2018 của doanh nghiệp không trùng khớp với số liệu trên bảng kê năng lực tài chính của nhà thầu; không có bản dịch tiếng Việt tài liệu kỹ thuật trong hồ sơ đề xuất theo yêu cầu; một số thông số kỹ thuật không đáp ứng theo catalogue kèm theo hồ sơ đề xuất…

Qua kiểm tra tại CDC Thái Bình, Thanh tra tỉnh Thái Bình cũng kết luận việc lắp đặt, bàn giao hệ thống máy xét nghiệm còn nhiều tồn tại, như: không có ký xác nhận của đơn vị tư vấn; các tờ khai hải quan về trang thiết bị nhập khẩu là bản photo đóng dấu doanh nghiệp nhập khẩu, không thể hiện thông tin trên tờ khai như giá trị hàng hóa nhập khẩu nguyên tệ (USD, JYP…), một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan đã dấu hiệu tẩy xóa về giá trị…

Đáng chú ý, kết luận thanh tra chỉ nêu thông tin chung chung, không nêu rõ loại thiết bị mua sắm cho CDC Thái Bình do Sở Y tế Thái Bình chỉ định, cụ thể là hệ thống thiết bị xét nghiệm nào, có xuất xứ từ đâu, được nhập khẩu với mức giá như thế nào…

Trước đó, Chuyển động 24h đã phản ánh thiết bị xét nghiệm được Sở Y tế Thái Bình chỉ định thầu mua đặt tại CDC Thái Bình là hệ thống xét nghiệm Real Time-PCR tự động có tên Cobas x 480 do hãng Roche (Thụy Sĩ) sản xuất.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cấu hình hệ thống Real Time-PCR Cobas 4800 hoàn toàn tự động của thương hiệu Roche, ngoài máy tính nguyên bộ, máy in phun màu; bộ hóa chất và vật tư tiêu hao… thì hai thiết bị chính gồm máy tách chiết và máy Real Time-PCR tự động… Chiếu theo hồ sơ nhập khẩu của Công ty TNHH Roche Việt Nam, doanh nghiệp khai báo hai thiết bị chính này có giá tổng là hơn 1,8 tỉ đồng….

Cũng theo hồ sơ hải quan, một số mã sản phẩm khác mà công ty này nhập về, tổng mức giá cho 2 thiết bị chính gồm máy tách chiết và máy Real Time-PCR tự động được doanh nghiệp khai báo là hơn 1,2 tỉ đồng…

Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao khi cùng một hệ thống máy xét nghiệm giống nhau của cùng một nhà sản xuất nhưng được các địa phương mua nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể, hệ thống thiết bị Real Time-PCR được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình mua với giá 5,9 tỉ đồng, tỉnh Bắc Ninh mua với giá 5,98 tỉ đồng, tỉnh Thái Bình mua giá 6,4 tỉ đồng sau đó điều chỉnh xuống còn 5,8 tỉ đồng.

Đây cũng là điều gây bức xúc trong dư luận. Sau đó, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND các tỉnh rà soát lại việc mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước