Nhiều tỉnh miền Trung cấm biển, đóng cửa sân bay ứng phó bão số 6

PV (t/h)-Thứ bảy, ngày 26/10/2024 20:15 GMT+7

Các ngư dân sau chuyến biển dài ngày, đã lập tức trở về khi nghe tin báo bão số 6. Ảnh: VGP

VTV.vn - Để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, nhiều địa phương miền Trung đang tích cực triển khai các giải pháp chủ động ứng phó bão số 6.

Quảng Bình cấm biển kể từ 00 giờ ngày 27/10

UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm công điện, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về việc chủ động ứng phó bão; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh.

Các đơn vị: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển... tập trung rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch...), bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. 

Địa phương cấm biển kể từ 00 giờ ngày 27/10 cho đến khi bão tan, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt chẽ, không cho tàu thuyền ra khơi trong thời gian nêu trên.

Các đơn vị, địa phương rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; chủ động sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.

Tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn triển khai lực lượng xung kích, kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, chủ động sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn, đặc biệt lưu ý các vị trí có nguy cơ cao như: đồi Phòng không xã Đức Hóa; sạt lở thôn 5, thị trấn Quy Đạt; thôn Rục xã Hồng Hóa…Mặt khác cần chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, bến đò; tuyệt đối không để người dân đánh bắt cá, vớt củi trên các sông suối...

Quảng Trị thu hoạch lương thực, hoa màu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”

Tối 26/10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ra Công điện khẩn tập trung ứng phó với bão số 6 và mưa lũ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện ven biển, tổ chức kiểm tra rà soát kỹ, kiên quyết không để tàu thuyền neo đậu tại vùng không an toàn; hướng dẫn việc neo đậu chằng neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 17 giờ ngày 26/10; việc sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn hoàn thành trước 18 giờ cùng ngày.

Chủ động triển khai công tác sơ tán dân, tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực sơ tán; không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, lán trại thi công đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Kiểm tra rà soát lại các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn; chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngầm tràn ngập lụt chia cắt; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu nước chảy xiết, những nơi đã xảy ra hoặc có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét; thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" đối với cây lương thực, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản; kiểm tra công tác dự trữ lương thực, mặt hàng thiết yếu.

Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ diễn biến thiên tai và tình hình thực tế từng vùng, địa bàn để chủ động thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người. Các sở, ngành khác triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều; đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, hồ đang thi công; vận hành các công trình theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du; đảm bảo công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu, nhất là tại khu vực thường xuyên xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, vùng sâu, vùng xa; đảm bảo an toàn giao thông; bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá; rà soát phương án sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện thường trực để ứng cứu, hỗ trợ khi có lệnh điều động.

Quảng Nam triển khai nhiều giải pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại

Ảnh hưởng bão số 6, đến chiều 26/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, nhiều nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu đạt sẽ từ 3-5m, hạ lưu đạt từ 1,5-3m.

Nhiều tỉnh miền Trung cấm biển, đóng cửa sân bay ứng phó bão số 6 - Ảnh 1.

Các lực lượng vũ trang trong tỉnh Quảng Nam giúp dân phòng chống bão số 6. Ảnh: TTXVN

Để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại, tỉnh Quảng Nam tập trung triển khai Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 25/10/2024, Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 22/10/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh; Thông báo số 396/TB-UBND ngày 24/10/2024 của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với bão số 6.

Các địa phương, cơ quan đơn vị theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, để thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó; chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản theo phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cắt cử lực lượng tổ chức rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; đồng thời bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá, người và phương tiện đi lại, di chuyển trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.

Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện nghiêm túc thực hiện trực ban; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước của các hồ chứa, duy trì thông tin báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du và vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng Quy trình được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đà Nẵng cấm đường lên bán đảo Sơn Trà

Chiều 26/10, UBND quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) đã có văn bản số 4281/UBND-QLĐTh về việc cấm phương tiện lưu thông trên bán đảo Sơn Trà. UBND quận Sơn Trà giao Công an quận thực hiện chốt chặn tại các khu vực ngập lụt, ngập sâu, nước chảy siết, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá… không cho người và phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm. Thời gian tạm dừng lưu thông lên bán đảo Sơn Trà bắt đầu từ 17 giờ ngày 26/10 cho đến khi có thông báo mới.

Lực lượng chức năng sẽ lập các vị trí chốt chặn tại đường Hoàng Sa (đoạn giao đường Lê Văn Lương - Hoàng Sa lên núi Sơn Trà); đường lên Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (nút giao đường Yết Kiêu - đường lên Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn lên núi Sơn Trà); đường bê tông quân sự (đường lên đại đội 4).

Đóng cửa tạm thời 4 sân bay để ứng phó bão số 6

Cục Hàng không vừa quyết định đóng cửa 4 sân bay Đà Nẵng, Phú Bài, Đồng Hới và Chu Lai vào ngày 27/10, để ứng phó bão.

Theo đó sân bay quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên-Huế) tạm dừng hoạt động từ 6 giờ đến 22 giờ, sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) tạm dừng từ 6 giờ đến 19 giờ, ngày 27/10.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng tạm dừng khai thác từ 6 giờ ngày 27/10 đến 4 giờ ngày 28/10. Sân bay Chu Lai (Quảng Nam) tạm dừng từ 10 giờ ngày 27/10 đến 10 giờ ngày 28/10. Cạnh đó, Cục Hàng không yêu cầu Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam thông báo tin tức hàng không phù hợp theo quy định hiện hành và điều hành bay bảo đảm tuyệt đối an toàn trước ảnh hưởng của bão.

Cảng vụ hàng không miền bắc và miền trung, được giao kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn khai thác tại các cảng hàng không theo quy định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước