Nhiều tỉnh, thành phố thay đổi cấp độ phòng dịch COVID-19

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 03/11/2021 06:05 GMT+7

VTV.vn - Trong những ngày trở lại đây, nhiều tỉnh, TP đặc biệt là ĐBSCL, KV Tây Nguyên, Hà Nội có số mắc COVID-19 tăng trở lại vì vậy mà cấp độ phòng dịch đã thay đổi.

Tỉnh Đắk Lắk nâng mức độ dịch lên cấp độ 3 sau khi ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc mới trong 1 tuần qua, trong đó 700 ca ngoài cộng đồng. Riêng thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Búk nâng mức độ lên cấp 4 - tức là vùng đỏ - nguy cơ rất cao. Thực tế nhiều nơi vẫn còn thiếu và yếu về các điều kiện phòng chống dịch, tỉnh Đắk Lắk đang huy động mọi nguồn lực để hạn chế thấp nhất khả năng dịch bùng phát và lây lan trong cộng đồng.

Từ 12h hôm nay (2/11), tỉnh Bạc Liêu cũng nâng cấp độ dịch toàn tỉnh lên cấp 4. Đây được coi là một trong những địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng cao nhất với bình quân từ 250 - 300 ca một ngày.

Một số địa phương khác cùng khu vực Tây Nam Bộ như Đồng Tháp, Tiền Giang cũng ghi nhận số ca mắc tăng cao mỗi ngày.

Tỉnh Sóc Trăng từ 12h hôm nay cũng chuyển cấp độ dịch từ cấp độ 1 - nguy cơ thấp sang cấp độ 2.

Từ ngày hôm qua (1/11), cấp độ dịch tại TP. Cần Thơ được nâng lên cấp 2 - nguy cơ trung bình. Đáng chú ý, với cấp xã, phường, thị trấn ở đây, có 10 đơn vị cấp độ 3 và 1 đơn vị cấp độ 4, là phường An Nghiệp. Riêng hôm qua, thành phố này ghi nhận hơn 400 ca mắc COVID-19.

Cũng trong hôm qua, TP Hà Nội ban hành các biện pháp áp dụng chung cho toàn thành phố tương ứng cấp độ dịch cấp 2 - nguy cơ trung bình.

Quy định tại Hà Nội khi dịch ở cấp độ 2

Với cấp độ dịch ở mức vàng trên bản đồ dịch, Hà Nội đã đưa ra một số quy định như: Hàng ăn phải đóng cửa trước 21h, lễ cưới, đám tang không vượt quá 30 người vào một thời điểm, phòng tập thể thao giảm chỉ còn 50% công suất.

Trong các yêu cầu với cơ quan, công sở, có yêu cầu tăng cường làm việc trực tuyến, hạn chế tiếp khách.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, quán ăn, chợ truyền thống được hoạt động.

Nhưng vũ trường, karaoke, massage, quán bar, trò chơi điện tử, bán hàng rong vẫn ngưng hoạt động.

Dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm đẹp phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch. Đối với các hoạt động tập trung đông người như thể dục, thể thao trong nhà giảm quy mô phòng tập (công suất tối đa 50% và không quá 30 người trong cùng thời điểm).

Nhiều tỉnh, thành phố thay đổi cấp độ phòng dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: NLĐO.

Với các hoạt động tập thể trên 30 người, khuyến khích thực hiện trực tuyến. Đặc biệt, người tham dự đã được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh COVID-19; có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Về tổ chức lễ cưới, số người tham dự không quá 30 người trong cùng thời điểm, tuân thủ 5K trong quá trình tham dự; giữ khoảng cách; gia đình không thực hiện chúc mừng tại từng bàn. Rút ngắn tối đa thời gian tổ chức lễ cưới, đảm bảo thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa.

Theo những quy định mới này, sẽ có thêm một số dịch vụ đã được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, với những quy định có thể nói là khá chặt chẽ, các chủ cơ sở kinh doanh vẫn gặp ít nhiều khó khăn.

Khắc phục khó khăn trước quy định mới

Ngày đầu mở cửa sau gần 6 tháng dừng hoạt động, việc đầu tiên của các nhân viên ở trung tâm thể hình Athens Fitness là rà soát toàn bộ danh sách hội viên: ai đã tiêm đủ hai mũi vaccine, ai đang ở khu vực có dịch… Với điều kiện này, không phải hội viện nào cũng đủ điều kiện quay trở lại tập luyện ngay.

Cái khó tiếp theo là quy định chỉ được phục vụ 30 người mỗi lượt. Bởi hàng trăm hội viên song phần lớn chỉ có thể tập luyện ngoài giờ hành chính, vào sáng sớm và chiều tối còn các khung giờ khác thường xuyên vắng vẻ.

Đối với nhà hàng, quán ăn, khó khăn lại ở vấn đề giờ giấc. Ví dụ như quán cà phê Montauk by LP Club, Hà Nội, khung giờ đông khách nhất là từ 20h đến 22h. Với quy định mới, đúng 21h quán phải đóng cửa đồng nghĩa với việc từ khoảng 20h30, quán đã không thể đón khách bởi chẳng ai muốn vừa ngồi xuống đã phải đứng lên.

Song các cơ sở kinh doanh, dịch vụ này vẫn còn may mắn hơn nhiều so với các nơi khác.

Vắng vẻ, đìu hiu là không khí chung ở các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới của Hà Nội từ nửa năm nay. Không khí này có lẽ sẽ còn kéo dài khi theo quy định mới, mỗi đám cưới chỉ có không quá 30 người có mặt trong một thời điểm. Làm một phép tính đơn giản, mỗi mâm cỗ 10 người, 30 người là 3 mâm. Với số lượng này, nếu các nhà hàng phục vụ thì chắc chắn chỉ lấy công làm lãi mà thôi.

Song khó khăn có lẽ chỉ dừng lại ở phía các chủ cơ sở kinh doanh. Bởi mỗi người dân dường như đã bắt nhịp với thói quen phải hạn chế các nhu cầu, sở thích cá nhân, để thích ứng với tình hình mới.

Không chỉ có những đám cưới theo kiểu mới, người dân Hà Nội sẽ buộc phải thích ứng với rất nhiều thứ mới nữa. Điều mà nhiều người mong mỏi: chính quyền thành phố sẽ dựa trên thực tiễn cuộc sống và thực tế tình hình dịch bệnh để điều chỉnh các quy định cho phù hợp với từng thời điểm, để cuộc sống thực sự trở lại bình thường mới.

Trên thực tế, Hà Nội cũng như cả nước đã xác định sống chung an toàn với dịch COVID-19, do vậy việc xuất hiện một số ca bệnh trong cộng đồng không quá bất ngờ và đã có sự chuẩn bị sẵn sàng. Hiện, Hà Nội đã xuất hiện dịch tại một số quận, huyện như: Hoàng Mai, Mê Linh, Hà Đông, Thanh Oai, Gia Lâm và đặc biệt là tại điểm nóng Quốc Oai đã ghi nhận gần 100 ca mắc. Nếu trước đây sẽ cách ly, phong tỏa trên diện rộng thì nay chỉ phong tỏa vùng lõi - tức là ổ dịch, mọi hoạt động của người dân vẫn diễn ra bình thường.

Hà Nội thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19

Xóm Bảo Tháp, thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, Quốc Oai - nơi ghi nhận ca bệnh COVID-19 đầu tiên ngày 23/10. Từ ca bệnh này đã lây lan ra 6/21 xã, thị trấn của huyện Quốc Oai, với gần 100 ca.

Với mục tiêu phát hiện nhanh trường hợp F0, cứ 2 ngày một lần, người dân tại đây được lấy mẫu xét nghiệm và hàng ngày được theo dõi y tế. Hôm nay là lần thứ tư người dân ở đây được lấy mẫu xét nghiệm PCR.

Nhiều tỉnh, thành phố thay đổi cấp độ phòng dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: nhandan.com.vn

Thị trấn Quốc Oai đã tổ chức phong tỏa khu vực có ca dương tính đồng thời bố trí công an và lực lượng chức năng lập rào chắn, chốt chặn kiểm soát chặt chẽ phương tiện. Nếu trước đây, thị trấn sẽ phong tỏa và được coi là vùng nguy cơ cao thì nay theo Nghị quyết 128 chỉ phong tỏa vùng đỏ - tức là nơi ghi nhận ca bệnh. Những khu vực xung quanh hay vùng vàng, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường.

Để tất cả người dân tại khu phong tỏa được chăm sóc sức khỏe, huyện Quốc Oai đã ngay lập tức thành lập trạm y tế lưu động trong khu phong tỏa. Đồng thời, chuẩn bị cho số ca mắc có thể tăng nhanh và ứng phó với dịch ở cấp độ cao hơn, Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai cũng đã sẵn sàng cơ sở vật chất để thu dung điều trị với 250 giường bệnh và hệ thống oxy trung tâm, 4 máy thở. Bệnh viện sẽ điều trị bệnh nhân ở tầng 1 và tầng 2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

TP Hà Nội cho biết sẽ công bố cấp độ dịch vào thứ 6 hàng tuần, nếu trường hợp tăng cấp độ dịch thì thành phố có đủ 48 giờ để thông báo cho người dân và bắt đầu triển khai vào thứ 2 tuần kế tiếp. Các địa phương cũng sẽ linh hoạt xác định cấp độ dịch theo diễn biến của dịch bệnh, cùng với đó cũng linh hoạt trong việc thay đổi những quy định liên quan đến cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước