Nhiều trẻ vị thành niên nhập viện cấp cứu do tự tử

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 02/11/2023 21:17 GMT+7

VTV.vn - Trong thời gian gần đây, một số vụ trẻ rơi từ trên tầng cao xuống đã xảy ra, trong đó có trường hợp được xác định là tự tử. Hầu hết ở tuổi vị thành niên.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, năm trước đã tiếp nhận 13 trường hợp thực hiện hành vi tự tử được đưa vào cấp cứu, tập trung ở trẻ 13 - 17 tuổi. Còn từ đầu năm đến nay cũng đã có 10 trường hợp, 1/3 trong số đó không thể cứu sống.

Được gia đình đưa vào Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu gái 17 tuổi đã trong tình trạng sức khỏe tinh thần xuống dốc, bế tắc, nhiều lần nghĩ đến tự tử. Trước đó, cháu đã nghĩ ra nhiều cách để kiểm soát bản thân như dùng dao lam rạch vào tay, tự giật tóc, bóc da môi..., mà không cảm thấy đau.

Còn cậu bé 13 tuổi được phát hiện thắt cổ trong nhà tắm. Lý do được xác định là do cháu không chấp nhận chuyện mẹ lắp camera trong phòng để theo dõi mình. Vào Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, do quá nặng, cháu đã không qua khỏi.

Còn không ít những câu chuyện vô cùng đau lòng như thế. Các bác sĩ cho biết, một trong những nguyên nhân chính là do bản thân trẻ vị thành niên có thay đổi về tâm lý, muốn thể hiện cái tôi, rất nhạy cảm, bốc đồng lại thiếu kỹ năng, kinh nghiệm đối phó với những sang chấn tâm lý, bên cạnh đó là các yếu tố tác động từ gia đình, các vấn đề phát sinh trong học đường điển hình như bị bạo lực.

Nhiều trẻ vị thành niên nhập viện cấp cứu do tự tử - Ảnh 1.

Rối loạn cảm xúc, bất ổn tâm lý, trầm cảm và nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần đã xảy ra đối với những học sinh ở độ tuổi dậy thì.

Hành vi tự tử có 3 mức độ. Đầu tiên chỉ là nghĩ đến hành vi tiêu cực này. Mức độ thứ hai là có tìm hiểu thông tin về cách tự tử. Nguy hiểm nhất là thực hiện hành vi tiêu cực nhanh mà ít dấu hiệu cảnh báo.

Những yếu tố dẫn đến hành vi tiêu cực ở học sinh

Rối loạn cảm xúc, bất ổn tâm lý, trầm cảm và nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần đã xảy ra đối với những học sinh ở độ tuổi dậy thì. Vì sao các em lại có những hành vi tiêu cực như tự làm đau bản thân, tự làm hại cơ thể mình, thậm chí là tự tử?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở lứa tuổi từ 15 - 29 chỉ sau tai nạn giao thông. Trong môi trường học tập, giữa nhiều bạn bè, thầy cô, ở nhà có gia đình, nhưng có những học sinh vẫn đang cảm thấy bế tắc và phải tìm tới các phòng tư vấn tâm lý.

Em học sinh có bố mẹ ly hôn đã 6 năm nay. Em ở với bố, mẹ đi lấy chồng mới. Vốn thiếu thốn tình cảm, em lại luôn bị so sánh với người anh trai của mình.

Còn với 2 cô bé, các em tìm đến phòng tư vấn tâm lý của nhà trường bởi những áp lực từ học tập. Năm nay các em sẽ thi vào lớp 10 công lập. Áp lực của bài vở, kỳ vọng và cả những ứng xử thiếu kiềm chế của bố mẹ luôn khiến các em bức bối. Các hành vi tiêu cực, nguy hiểm đã xuất hiện ở những đứa trẻ mới chỉ 13 - 14 tuổi.

Trường THCS Minh Khai là một trường chuẩn quốc gia. Ở khu vực nội thành, trường may mắn có một sĩ số lý tưởng khi các lớp học chỉ 33 - 36 em. Học sinh không quá đông, giáo viên mới có điều kiện để quan sát, nhận ra những dấu hiệu bất thường của các em.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hành vi tiêu cực của học sinh lứa tuổi 13 - 15 tuổi, nhưng theo chuyên gia, có thể nhìn thấy đó là những thay đổi về mặt tâm sinh lý của tuổi dậy thì, áp lực học tập, sử dụng thiết bị công nghệ và mạng Internet quá nhiều và thói quen thức đêm của các học sinh.

Phát hiện sớm để ngăn trẻ có ý định tự tử

Chuyên gia tâm lý từ Bệnh viện Paul Guiraud đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc nhận biết dấu hiệu, phát hiện sớm để ngăn ngừa ý định tự tử, cũng như chăm sóc trẻ sau khi trẻ đã thực hiện hành vi tự tử và được cứu sống.

"Dấu hiệu nhận biết thông qua hành vi, ví dụ như ngủ kém, chán nản, khó chịu, hay phàn nàn. Ở Pháp, chúng tôi có các công cụ phát hiện ý định tự tử và phổ biến trên các phương tiện truyền thông cũng như cho các gia đình, trường học và nhân viên y tế. Trong đó tại trường học, có kênh riêng để trẻ có thể bày tỏ vấn đề khi bị bắt nạt, cả trực tiếp bởi bạn bè hoặc gián tiếp trên mạng xã hội. Cả hệ thống pháp luật cũng khá chặt chẽ để có thể bảo vệ trẻ khỏi bị bắt nạt hay lạm dụng.

Chúng tôi còn có đường dây điện thoại ẩn danh để lắng nghe khi trẻ có nhu cầu tâm sự than phiền giải tỏa bức xúc. Trẻ sẽ được trò chuyện với các chuyên gia tâm lý để giải tỏa vấn đề. Với một trường hợp trẻ tự tử thì có thể được cấp cứu rất nhanh, kịp thời. Sau khi ra viện, có hệ thống tiếp tục chăm sóc, tức là liên lạc với bệnh nhi sau xuất viện khoảng 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng... để bệnh nhân cảm thấy thấy được quan tâm, tránh có ý định tự tử tiếp", bác sĩ Didier Touzeau, Giám đốc Trung tâm nghiện chất, Bệnh viện Paul Guiraud, Pháp, cho biết.

Các chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra rằng, khi một đứa trẻ đang vui vẻ, hoạt bát hoặc trầm tĩnh bỗng nhiên thay đổi ngược lại, trẻ bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi ăn uống… là những dấu hiệu gợi ý mà bố mẹ cần quan tâm đến con hơn.

Đặc biệt, khi trẻ nói bóng gió về tự sát, hoặc nói cảm thấy mình không có giá trị, không có ý nghĩa với cuộc đời bố mẹ không nên gạt đi, mà đó là những dấu hiệu khởi đầu của hành vi, mong muốn tự sát ở trẻ.

Tràn lan hội nhóm xúi giục tự tử trên mạng Tràn lan hội nhóm xúi giục tự tử trên mạng

VTV.vn - Nhiều hội nhóm kín thường xuyên chia sẻ thông tin tiêu cực, thậm chí rủ nhau tìm cách kết thúc cuộc đời… Đây là hành vi phạm pháp, có thể bị xử lý hình sự.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước