Hiện anh Luân Trung Huấn đang làm việc cách nhà gần 200 km nên cuối tuần hoặc lâu hơn anh mới có thời gian về thăm gia đình. 5 năm qua, đi làm nhiệm vụ theo Đề án 500, có những lúc nhớ vợ con da diết, có lúc yếu lòng vì vùng đất biên giới đầy khó khăn, thế nhưng nhiệt huyết của tuổi trẻ không cho phép anh chùn bước.
Còn đội viên Thủy Nga, từ khi trúng tuyển vào Đề án 500 đến nay, mỗi ngày gần 80 km đi về, bởi ở nhà mình chị còn lo cho 2 con nhỏ. Thời gian thắm thoắt đưa, các con chị cũng đã lớn, còn chị vẫn miệt mài với nhiệm vụ của mình với bà con nơi biên giới. Và chẳng thể nào chị quên được ngày chị bắt đầu đến với vùng đất mới, mở ra bước ngoặt của đời mình.
Không chỉ là đội viên Trung Huấn, đội viên Y Nga, mà nhiều đội viên trẻ khác, sau khi rời ghế nhà trường, cũng đã tình nguyện mang sức trẻ, mang lòng nhiệt huyết đến với những vùng đất đặc biệt khó khăn nhất.
5 năm không quá dài cũng chẳng ngắn, thế nhưng trí tuệ, sự cần mẫn của các trí thứ trẻ đóng góp trong thời gian ấy, ít nhiều đã góp phần chung vào sự phát triển của vùng đất, nơi mà họ công tác, nơi dường như đã trở thành quê hương của họ.
Đề án tri thức trẻ 500 - là đề án do Bộ Nội vụ - là cơ quan thường trực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai việc thực hiện.
Từ khi chuẩn bị, cho tới khi có 5 năm triển khai thực hiện, Đề án 500 cũng được chia thành nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn 2013 - 2015, Đề án tuyển chọn, bồi dưỡng 500 trí thức trẻ, để bố trí cho 500 xã - thuộc phạm vi Đề án. Giai đoạn 2015 - 2020 là giai đoạn triển khai thực hiện Đề án. Giai đoạn thứ 3 trong năm 2020 là năm tổ chức tổng kết Đề án.
Đến nay, Đề án đã chứng kiến nhiều dấu ấn trí thức trẻ ở vùng biên Kon Tum. Với những khó khăn của vùng đất biên giới, mọi điều kiện đều hạn chế, có đôi khi chạnh lòng vì xa nhà, xa gia đình thế nhưng với tâm thế: đã tham gia Đề án thì phải cố gắng hết mình, các trí thức trẻ đã tạo ra những dấu ấn cống hiến cho quá trình công tác của mình. Và sự phấn đấu ấy - cũng đã giúp họ được rèn luyện, để trưởng thành hơn.
Dấu ấn trí thức trẻ vùng biên
Là cán bộ địa chính nông nghiệp kiêm cán bộ hộ nghèo, gần như ngày nào Y Nghèo cũng có mặt ở rẫy nhà bà con trong xã. Phần để thống kê, theo dõi tình hình sản xuất của bà con, phần để có thể kịp thời hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với sự năng nổ và nhiệt huyết của mình, đến nay, đội viên Y Nghèo đã trở thành gương mặt quen thuộc đối với tất cả bà con trong xã.
Tủ sách pháp luật của đội viên Luân Trung Huấn, từ vài đầu sách ban đầu, đến nay, tử sách này đã có đủ những quyển sách cơ bản về luật. Không chỉ tuyền truyền luật cho bà con qua mô hình này mà A Luâng còn thường xuyên tích cực xuống tận nơi để phổ biến pháp luật cho người dân vùng biên giới này.
Các địa phương có đội viên trẻ về công tác đều nhận định, đây là nguồn nhân lực có hiệu quả, với sức trẻ và trí tuệ của mình, các bạn có nhiều đóng góp thiết thực trong việc xây dựng và phát triển của địa phương.
Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum cho biết, sau những nỗ lực phấn đấu, đến này nhiều trí thức trẻ đã được kết nạp Đảng, trong đó có 3 bạn được đề xuất tuyển thẳng vào nguồn nhân lực chính của xã để tiếp tục có cơ hội cống hiến cho địa phương.
Như lãnh đạo - tại nơi mà các trí thức trẻ về làm việc - có chia sẻ rằng: "Họ đã đi cùng địa phương từ những ngày khó khăn nhất". Có thể thấy được rằng, những cống hiến của các đội viên trẻ - được địa phương và nhân dân nơi ấy ghi nhận. Nên dù Đề án 500 - đã kết thúc vào tháng 6/2020, nhưng tỉnh vẫn tạo kiện sắp xếp, để các bạn tiếp tục công việc, trong thời gian chờ đợi quyết định tiếp theo của Chính phủ. Tiếp tục được giữ lại và làm việc - vẫn là niềm mong mỏi, của cả các trí thức trẻ, cũng như của lãnh đạo các địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!