Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên

Anh Tuấn, Chu Thanh-Thứ hai, ngày 02/10/2023 12:28 GMT+7

VTV.vn - Ô nhiễm khí thải công nghiệp từ những lò gạch nung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và kế sinh nhai của nhiều người dân.

Nhiều hecta chuối bị táp lá bất thường

Câu chuyện về ô nhiễm khí thải công nghiệp từ lâu không phải là câu chuyện mới nhưng nỗi lo thì vẫn còn đó, nhất là trong bối cảnh thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước liên tục được cơ quan chức năng cảnh báo về chất lượng không khí đang ở mức xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Mong muốn được hít thở một bầu không khí sạch, trong lành lúc nào cũng là mong muốn chính đáng của tất cả mọi người. Một điều tưởng chường đơn giản nhưng lại khó thành hiện thực với những hộ dân sinh sống gần các lò gạch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên… Nỗi lo về một vụ mùa canh tác không đạt năng suất cao của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đức Hợp, huyện Kim Động đang hiện hữu vì mới đây tình trạng táp lá bất thường lại xảy ra trên ruộng chuối của bà con nông dân.

Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 1.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 2.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 3.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 4.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 5.

Tỉa lá cùng với bón phân là biện pháp mà những người nông dân trồng chuối ở đây đang sử dụng với hy vọng vớt vát lại một vụ mùa, vì cây trồng vừa trải qua một đợt bị táp lá bất thường. Dù chẳng rõ nguyên nhân nhưng với kinh nghiệm và thâm niên nhiều năm canh tác, những người nông dân trồng chuối cho rằng khói từ hàng loạt lò gạch ở kế bên là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, vì những tác động rõ ràng mà họ thường xuyên cảm nhận được.

Những hộ dân trồng chuối đang lo ngại, đợt táp lá vừa qua có thể khiến cây trồng giảm năng suất vì xảy ra đúng vào thời điểm cây chuối đang trổ buồng - thời điểm cần sự ổn định nhất để phát triển. Trước những phản ứng của người dân, chỉ duy nhất một chủ lò hỗ trợ với số tiền 25 triệu đồng chia cho gần 20 hộ. Trong khi ở kế bên, còn 2 ống khói của 2 lò khác nhau.

Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 6.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 7.

Làm việc với phóng viên, chủ lò gạch duy nhất hỗ trợ người dân cũng không thừa nhận nguyên nhân chuối bị táp lá là do lò của mình.

Để có thể khẳng định chính xác nguyên nhân dẫn đến hiện tượng táp lá đối với cây chuối của bà con có phải do tác động của khói lò gạch hay không vẫn cần sự vào cuộc đánh giá của cơ quan chức năng. Nhưng một điều đáng tiếc là từ đợt táp lá gần nhất đến nay đã trôi qua gần 1 tháng.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hưng Yên, hiện trên địa bàn tỉnh có 21 lò gạch đang hoạt động, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 huyện Khoái Châu và Kim Động. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phá dỡ lò gạch công nghệ lạc hậu chuyển đổi mô hình sản xuất gạch đất sét nung sang công nghệ tuynel, hoàn thành trước ngày 31/12/2019. Đến nay, bên cạnh những chuyển biến tích cực khi nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất mới vẫn còn một số đơn vị duy trì công nghệ cũ, lạc hậu. Lý do là vì gặp khó khăn về nguồn vốn, trong khi chi phí đầu tư dây chuyền công nghệ tuynel tương đối lớn, dao động ở mức 30 - 50 tỉ đồng. Tại địa bàn huyện Kim Động, hiện vẫn còn 3 lò gạch sử dụng công nghệ cũ lạc hậu đang hoạt động.

Giám sát khói thải lò gạch

Một thực tế đang tồn tại ở một số lò gạch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là việc chuyển đổi công nghệ chưa thực hiện triệt để khi trong cùng một lò đang duy trì hai dây chuyền mới và cũ song song. Vì trong quá trình hoạt động, các lò gạch nung này sử dụng rất nhiều vật liệu đốt hoặc nguyên liệu tạo nhiệt như than đá, gỗ, củi… nên khí thải ra nếu không xử lý sẽ chứa nhiều thành phần độc hại, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Được thiết kế cao cả trăm mét, tưởng chừng những ống khói lò gạch sẽ không còn ảnh hưởng tới người dân. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, các ống khói gần như không có nhiều sự khác biệt, từ chiều cao ống khói lẫn màu khói thải thải ra. Nhưng thực tế, trên hồ sơ giấy tờ, các lò đang có sự khác nhau về công nghệ.

Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 9.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 10.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 11.

Chủ một lò gạch cho biết đã chuyển đổi sang công nghệ mới là lò tuynel nên một mực cam kết và khẳng định khói thải ra không gây ảnh hưởng tới cây trồng. Nhưng cách nhau chỉ một bức tường, lò kế bên vẫn đang sử dụng công nghệ cũ là lò vòng Hoffman.

Mỗi lò một công nghệ, lò nào cũng đều đưa ra cái lý để khẳng định khí thải từ lò của mình không gây ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi Trường tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn toàn tỉnh đang có 21 lò gạch đang hoạt động gồm cả 2 công nghệ cũ - mới.

Không nằm trong diện phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nên ngoài báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt và kết quả doanh nghiệp tự thực hiện quan trắc định kỳ, để giám sát khí thải của các lò này buộc phải căn cứ vào kết quả thanh tra kiểm tra lấy mẫu của cơ quan chức năng.

Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 12.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 13.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 14.

Đến nay, câu chuyện khói lò gạch có phải là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng táp lá chuối trên diện rộng hay không vẫn là một câu hỏi không có lời giải. Phía Phòng Tài nguyên môi trường huyện Kim Động dù có nhận được thông tin phản ánh của người dân cũng không có đủ năng lực chuyên môn để khẳng định. Còn Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hưng Yên - cơ quan có đủ chức năng quan trắc đánh giá - lại chưa được nhận phản ánh.

Trong khi đó, ruộng chuối của người dân từ lúc sự việc xảy ra đến nay bị táp đợt gần nhất giờ cũng đã khô và cây đang ra đợt lá mới. Mặc nhiên các lò gạch vẫn ngày đêm cho mình cái quyền xả khói, khi màu trắng, lúc lại màu đen như không hề có sự liên quan.

Thủ đoạn khai thác hủy hoại đất bãi ven sông

Với mục đích hạn chế sử dụng đất sét và than - nguồn tài nguyên không tái tạo, góp phần bảo vệ an ninh lương thực, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải CO2, từ ngày 16/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị riêng một về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Trong đó, đưa ra chủ trương các công trình sử dụng vốn nhà nước như: trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học… bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung. Đến nay, nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Hưng Yên đã triển khai thực hiện. Điều này là thực sự cần thiết vì "tấc đất tấc vàng". Một khi tài nguyên đất đã được khai thác sử dụng thì khó có thể khôi phục lại được nữa.

Nhìn từ trên cao, khu vực đất bãi ven sông thuộc địa bàn xã Hùng An, huyện Kim Động, tỉnh Hưng bị đào xới tan hoang, hiện trạng đất đai chẳng còn nguyên vẹn. Phóng viên Chuyển động 24h đã ghi lại được hình ảnh máy xúc hoạt động hết công suất để khai thác đất bãi.

Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 15.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 16.

Đất bãi được múc lên bao nhiêu thì bấy nhiêu phế thải xây dựng được lấp xuống. Với thủ đoạn tinh vi như vậy, đã có bao nhiêu m3 đất bãi ven sông bị rút ruột thì khó ai có thể biết được. Đủ loại phế thải xây dựng lẫn rác bẩn được đưa về đổ tại bãi đất này. Bao nhiêu xe tải đi vào là bấy nhiêu xe trống đi ra. Sau khi tập kết trái phép, phế thải xây dựng sẽ được che đi dấu vết bằng cách rải thêm một lớp đất ở trên. Mục đích làm gì tiếp theo thì có lẽ chỉ có ông chủ lò gạch mới là người biết rõ nhất.

Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 17.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 18.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 19.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 20.
Nhức nhối thực trạng ô nhiễm khói thải lò gạch ở Hưng Yên - Ảnh 21.

Phía sau lò gạch ở bên kia sông của công ty Vân Đức thuộc địa bàn xã Mai Động, huyện Kim Động, đất bãi bị múc lên để làm gạch tạo thành hào, hố nham nhở và nơi này sau đó lại trở thành khu vực để nhồi gạch vỡ xuống. Dưới nhiều hình thức và thủ đoạn khác nhau, nạn khai thác đất trái phép làm nguyên liệu cho một số lò gạch đã dần dần làm biến dạng và hủy hoại một vùng đất bãi ven sông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước