Nhức nhối tình trạng trục lợi chính sách nhà ở xã hội

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 26/04/2022 19:50 GMT+7

VTV.vn - Không thể để tồn tại hành vi trục lợi cá nhân hay lợi dụng một chính sách nhân văn làm ảnh hưởng đến những người thực sự có nhu cầu.

TP Hà Nội mới đây đã có yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm trong việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội. Qua thanh tra kiểm tra, nhiều sai phạm ở các dự án đã được chỉ ra.

Không thể phủ nhận trong những năm qua, hệ thống pháp luật về nhà ở ngày càng được hoàn thiện; nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng còn khó khăn. Thế nhưng, thực tế triển khai cho thấy chính sách phát triển nhà ở xã hội (dành cho người thu nhập thấp) vẫn còn bất cập. Nhiều trường hợp chủ đầu tư và khách hàng tự thay đổi thiết kế công trình, căn hộ, hay sử dụng không đúng mục đích như: cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng, mua bán sang nhượng... để trục lợi từ chính sách.

Nhức nhối tình trạng trục lợi chính sách nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Một số căn hộ tại dự án nhà ở xã hội đã hoàn tất việc mua bán sang nhượng khi chưa đủ thời gian.

Chỉ 1 cú click chuột, không khó để tìm ra thông tin cho thuê căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội, với mức giá cho thuê từ 7 – 8 triệu đồng/tháng với đầy đủ nội thất. Việc cho thuê căn hộ nhà ở xã hội diễn ra nhiều năm qua. Trong vai người tìm thuê nhà, phóng viên VTV đã gặp đại diện Ban quản lý tòa nhà và có được một số thông tin về giá thuê nhà ở dự án tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Và khi phóng viên tỏ ý muốn tìm mua 1 căn hộ để ở, đại diện của Ban quản lý toà nhà không ngần ngại giới thiệu các căn hộ 70m2 với các mức giá giao động trong khoảng 3,3 tỷ đồng.

Trên 47 triệu/m2 bởi dự án nằm ngay mặt đường lớn. Trước đó, năm 2017, các gia đình nhận bàn giao nhà ở đây với mức giá chưa đến 9 triệu đồng/m2. Theo quy định, nhà ở xã hội phải sau 5 năm, người mua đã thanh toán xong tiền mua nhà và đóng 50% tiền sử dụng đất mới được sang nhượng mua bán. Tuy nhiên, một số căn hộ ở đây đã hoàn tất việc mua bán sang nhượng khi chưa đủ thời gian trên.

Đây cũng là một trong những dự án bị điểm mặt chỉ tên trong danh sách các dự án nhà ở xã hội có sai phạm của các Sở, ban, ngành TP Hà Nội vì đã cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng.

Cần phải nhắc lại, việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội là giúp giải quyết vấn đề nhà ở cho các hộ gia đình như: cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước, công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các đối tượng trả lại nhà công vụ gặp khó khăn về nhà ở… Vì vậy không thể để tồn tại hành vi trục lợi cá nhân hay lợi dụng một chính sách nhân văn làm ảnh hưởng đến những người thực sự có nhu cầu.

Nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu của những người có thu nhập thấp, người nghèo trong xã hội, loại hình nhà ở này được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước về tiền thuế, tiền sử dụng đất, vay vốn lãi suất thấp. Vì vậy, trong quá trình kinh doanh, quản lý, sử dụng cả chủ đầu tư và người dân vi phạm cần có chế tài phạt mạnh.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng khoảng 6,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này mới đạt khoảng trên 4 triệu m2. Nghĩa là đang thiếu gần 2,2 triệu m2.

Giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố cần đầu tư xây mới khoảng 5 triệu m2 sàn nhà nhà ở xã hội (bao gồm cả nhà ở cho công nhân). Tính chung lại, nghĩa là đến năm 2025, TP Hà Nội cần đầu tư xây dựng mới khoảng trên 7 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Để đáp ứng nhu cầu còn rất lớn của người dân, cùng với việc đẩy mạnh triển khai các dự án đã được phê duyệt đầu tư, từ các Bộ, ngành tới TP Hà Nội cần yêu cầu siết chặt khâu quản lý và sử dụng loại hình nhà ở này, tránh tình trạng lợi dụng ưu đãi để trục lợi từ chính sách. Mới đây, Bộ Xây dựng đã đưa ra một số giải pháp để siết chặt quản lý công tác sử dụng nhà ở xã hội.

Làm sao để quản lý thật tốt nhà ở xã hội, đúng đối tượng, trách nhiệm ở đây không chỉ riêng chủ đầu tư, người dân mà chính quyền địa phương cũng phải thường xuyên giám sát, xử lý để không xảy ra tình trạng vi phạm tiếp diễn. Vì như những câu chuyện ở trên, không quá khó để phát hiện những điều bất thường tại các khu nhà ở xã hội hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước