Những cựu chiến binh đóng góp sức mình trong thời bình

Mạnh Cường, Phạm Hùng-Thứ sáu, ngày 26/07/2024 17:07 GMT+7

VTV.vn - Bước qua những năm tháng chiến tranh đến ngày đất nước thống nhất, có những cựu chiến binh trở về cuộc sống đời thường vẫn mong muốn đóng góp sức mình cho đất nước.

Nếu từng được tham gia một ngày hoạt động của các hội cựu chiến binh trên cả nước, chúng ta sẽ đặt câu hỏi: sức mạnh của họ nằm ở đâu? Câu trả lời rất đơn giản: Họ là tấm gương sáng ngời cho hình ảnh người lính Cụ Hồ năm xưa - mạnh mẽ nhiệt huyết và sống có lý tưởng. Những người cựu chiến binh năm nào, dù tuổi đã cao nhưng chưa khi nào ngừng cống hiến cho một đất nước Việt Nam giàu đẹp hơn.

Mới đây nhất, từ Bắc vô Nam, nhiều địa phương trên cả nước đã tổng kết phong trào Cựu chiến binh gương mẫu 2019-2024. Mỗi một giai đoạn, Hội cựu chiến binh trên cả nước lại có nhiều hoạt động ấn tượng để chứng tỏ sức mạnh và tình yêu quê hương đất nước của những người lính sống trong thời bình.

Tổng kết phong trào "Cựu chiến binh gương mẫu 2019-2024"

Ngoài các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ kinh tế hội viên, các Hội cựu chiến binh trên cả nước còn tích cực tham gia công tác thiện nguyện trong cộng đồng. Hội còn hưởng ứng mạnh mẽ Chương trình mục tiêu quốc gia "xây dựng nông thôn mới", đóng góp ủng hộ tiền mặt và ngày công lao động, hiến đất làm đường giao thông, phục vụ xây dựng công trình công cộng. Không những vậy, phong trào "Hội cựu chiến binh gương mẫu" còn góp phần tích cực, hiệu quả vào việc giáo dục truyền thống yêu Nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong lễ tổng kết tại các địa phương, nhiều cá nhân tập thể đã nhận được bằng khen Hội cựu chiến binh các cấp đồng thời cũng nêu lên phương hướng hoạt động cho giai đoạn mới 2024-2029.

Những người lính năm xưa vẫn nhiệt huyết với công tác trong thời bình. Từ miền ngược đến miền xuôi, ở đâu có dấu chân người cựu chiến binh, ở đó còn có khí thế nhiệt huyết của những người con yêu nước.

Dù đã bước sang độ tuổi gần 70 nhưng ông Trần Quang Huy vẫn hết lòng vì công việc của tập thể. Hơn 10 năm qua, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đặc biệt là phong trào hiếu học.

Cựu chiến binh lan tỏa phong trào hiếu học giữa làng quê

Chú lợn đất là 1 thành viên đặc biệt trong gia đình ông Trần Quang Huy đã nhiều năm nay. Không chỉ hướng dẫn con cháu cách sống tiết kiệm, chú lợn đất còn là cách ông xây dựng 1 truyền thống đặc biệt trong gia đình.

Từ việc làm cá nhân, trong gia đình mình, kể từ năm 2020, ông Huy đã phát động phong trào Nuôi lợn đất tới những cán bộ, Đảng viên xã Hoàng Diệu, Chương Mỹ, Hà Nội.

Mỗi năm, "đàn lợn giống đặc biệt" hàng chục con được ông Huy trao tận tay, lan tỏa phong trào tiết kiệm, gây quỹ khuyến học đến mọi người.

Không chỉ có phong trào khuyến học, thư viện sách giữa làng quê với trên 2.000 đầu sách này được ông gửi gắm nhiều mong ước vào thế hệ tương lai.

Nghĩ về thế hệ trẻ là nghĩ về tương lai của 1 vùng đất. Đó là lý do, người cựu chiến binh Trần Quang Huy không ngừng trăn trở về lớp măng non của quê hương mình.

"Việc gì có lợi cho dân thì mình cố gắng làm" - tinh thần của người lính Cụ Hồ năm xưa vì nhân dân quên mình, vẫn chảy trong huyết quản của họ. Dù tuổi đã cao, nhưng tinh thần ấy vẫn sắc son và gắn liền với đời sống của họ đến hôm nay. Nếu như cựu chiến binh Trần Quang Hy luôn quan tâm đến việc học của lũ trẻ nơi vùng quê ông sinh sống thì lại có một người cựu binh cao tuổi khác yêu lắm môi trường, yêu lắm cảnh vật quê hương và ông muốn các cháu nhỏ hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Bác Lê Lập - một người cán bộ "đa năng", một Đảng viên gương mẫu luôn hết mình vận động vào những sáng kiến góp phần bảo vệ môi trường. Tinh thần vui vẻ, tươi mới và khí thế của ông đã khiến cho nhiều người phải hưởng ứng và hành động theo.

Người Đảng viên - người cựu chiến binh yêu môi trường tại Thành phố Đà Nẵng

Tại phường Thanh Khê Tây, thành phố Đà Nẵng, có một người đàn ông đã ở tuổi lục tuần, nhưng hiện đang đảm nhiệm rất nhiều chức vụ.

Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi ủy viên Chi bộ 13, Chi hội trường Chi hội khuyến học của khu dân cư số 13 phường Thanh khê Tây, Tp. Đà Nẵng. Chức danh dài nhưng người dân nơi đây quen gọi với cái tên thân thương - Ông Lập đa năng.

Gọi là đa năng bởi việc gì trong khu vực cần làm để giúp cho người dân là ông có mặt. Gần chục năm trước, chứng kiến một bãi đất trống bị bỏ không, rác thải bị vứt bừa bãi hôi thối, ông quyết định đứng ra vận động người dân làm sân chơi cho trẻ em.

Vậy là mỗi người 1 tay một chân, cùng những nguồn lực ông Lập kêu gọi. Một sân chơi đã ra đời, giờ đây trở thành điểm đến hàng ngày của các em nhỏ trong khu vực.

Sân chơi đã có nhưng vấn đề rác thải thì vẫn còn đó. Vậy là tủ rác an sinh - mô hình kế hoạch nhỏ được ông Lập cho ra đời. Những căn chòi nhỏ được đặt ở những vị trí thuận lợi để người dân có thể để để thả chai lọ đã dùng của gia đình. Từ đó tạo ra nguồn quỹ để giúp đỡ cho hàng chục hộ gia đình, và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cứ thế từ những việc làm nhỏ, ông Lập tạo ra những phong trào lớn, như phong trào tổng vệ sinh khu phố mỗi ngày chủ nhật được người dân hưởng ứng tham gia. Chỉ cần người dân khoẻ, người dân vui là ông Lập đa năng cứ trẻ mãi không già.

Thời gian không thể nào khuất phục được tinh thần của những người đồng chí, những người cựu binh đã bước vào thời bình.

Trong thời chiến, những người phụ nữ được ví "Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép". Trở về thời bình, họ lại làm vai trò của người vợ, người mẹ. Nhưng họ là những người mẹ đặc biệt.

Má Mười nuôi trẻ mồ côi

Năm 1988, má Mười về Củ Chi thăm lại chiến trường cũ. Tại đây, má đau đớn khi biết những người từng nuôi giấu mình trong năm tháng chiến tranh đều đã qua đời, để lại những người con tật nguyền không ai chăm sóc. Thương những đứa trẻ bất hạnh, má quyết định nhận các em về nuôi, chăm như con ruột. Từ 5 đứa trẻ ban đầu, đến nay má đã bén duyên với công việc không lương này 36 năm. Hàng trăm những đứa trẻ có cảnh đời bất hạnh đã được má Mười cưu mang, dù cho má có phải bán đi những tài sản quý giá của mình.

Cựu thanh niên xung phong 30 năm nuôi cơm trò nghèo

Hơn 80 tuổi, bà vẫn giữ nguyên tinh thần xung phong với bộ đồ quen thuộc và chiếc khăn rằn đặc trưng. Gần 30 năm qua, bà Nguyễn Thị Phương đã hỗ trợ thực phẩm cho hàng trăm học sinh nghèo, người dân lao động khó khăn. Một miếng khi đói bằng 1 gói khi no. Nhiều học trò người dân tộc thiểu số theo bố mẹ lên Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống được bà Phương cưu mang, đến nay đã khôn lớn và thành đạt.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước