Các hệ thống trạm để xe được xây dựng theo các điểm xe bus, điểm lên xuống tàu điện, gần các trường học, các trung tâm thương mại, du lịch, các vườn hoa công cộng…Mỗi trạm diện tích 10-15 m2, cho 10-20 xe theo từng ô. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Tới đây, trên những con đường Hà Nội sẽ có thêm những chiếc xe đạp điện công cộng. Giai đoạn 1 của dự án đang chuẩn bị hoàn tất, góp phần bảo vệ môi trường và tạo thêm thuận lợi cho người dân trong việc đi lại.
500 chiếc xe đạp trợ lực điện cùng 500 chiếc xe đạp cơ sẽ được hoàn tất các khâu kiểm tra kỹ thuật để đưa vào vận hành trước dịp Quốc khánh 2/9.
Ngoài việc kiểm tra lại các vị trí thực tế của các điểm trạm xe đã trùng khớp với các vị trí trên bàn đồ định vị hay chưa, những chiếc xe đạp công nghệ này còn phải được kiểm tra kỹ lưỡng các thông số kỹ thuật.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2024) dự án mở rộng vùng phục vụ; theo đó tập trung mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Giá thuê 1 chiếc xe đạp trợ lực điện sẽ là 10.000 đồng cho 30 phút sử dụng. Còn đối với xe đạp cơ là 5.000 đồng. Để sử dụng xe, người dân cần tải ứng dụng cho thuê xe đạp công cộng, nạp tiền vào tài khoản, dùng thẻ từ hoặc smartphone quét QR code trên khóa xe để mở khóa. Do đây là những chiếc xe đạp công nghệ số nên quá trình vận hành sẽ mang lại nhiều tiện ích cho cả người dùng và đơn vị quản lý, vận hành.
Đại diện đơn vị thực hiện dự án cũng cho biết, tại 6 quận triển khai xe đạp công cộng, các điểm trạm đều được bố trí gần các bến tàu xe, trường học, cơ quan công sở hay các danh lam thắng cảnh để thu hút người dân, góp phần kéo giảm dần việc sử dụng phương tiện cá nhân.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ đưa 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp điện vào vận hành trên địa bàn 6 quận trung tâm là Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Ảnh: Nguyễn Xuyến
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!