Những hành trình đi tìm các liệt sĩ

VTV Digital-Thứ tư, ngày 27/07/2022 16:26 GMT+7

VTV.vn - Có những cuộc hành trình đi qua năm tháng để đưa các liệt sĩ trở về với gia đình.

Những ngọn nến chính là hiện thân của sự hy vọng, dù mong manh nhưng vẫn âm thầm lặng lẽ cháy. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những nỗi đau chiến tranh vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay, trong mỗi nếp nhà có người thân ra đi năm ấy, đến nay vẫn chẳng được trở về. Và vẫn có những cuộc đi tìm quá khứ, với hy vọng dù là mong manh nhưng vẫn luôn nhen nhóm. Mong một ngày nào đó, có thể tìm được người thân, người cha, người chồng, người con của mình. Dù cho chỉ còn 1 tia hy vọng nhỏ nhoi vẫn cứ đi tìm.

Đến nay, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương, bệnh binh - vẫn mang trên mình thương tích của chiến tranh.

Có những cuộc hành trình đi qua năm tháng - để đưa các liệt sĩ trở về - về với mẹ, với vợ, với con, về với gia đình.

Những hành trình đi tìm các liệt sĩ - Ảnh 1.

Thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn

Năm 1969, gia đình ông Phùng Văn Sỹ quê Thái Bình nhận được giấy báo tử của Sư đoàn 320, báo tin cha của ông - liệt sĩ Phùng Văn Môn đã hy sinh ngày 2/2/1968 tại mặt trận phía Nam. Giấy ghi "thi hài liệt sĩ Môn được an táng chu đáo" nhưng không đề rõ nơi hy sinh và chôn cất. Hơn 50 năm đằng đẵng qua đi, điều kỳ diệu đã tới với gia đình, trong một chuyến hành hương tại Quảng Trị.

57 năm kể từ khi chồng lên đường đi kháng chiến, đây là lần đầu tiên, cụ bà 80 tuổi sẽ được gặp lại chồng mình. 4 ngày trước đó, tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 Quảng Trị, con trai của bà đã tìm thấy cha của mình đầy bất ngờ sau hơn nửa thế kỷ tìm kiếm. Ngôi mộ tập thể 102 liệt sĩ thuộc trung đoàn 64, sư đoàn 320 chính là nơi liệt sĩ Phùng Văn Môn an nghỉ cùng đồng đội. 102 bộ quần áo, 102 đôi giày được gia đình sắp xếp gọn gàng, đặt trên ngôi mộ tập thể, chuẩn bị cho 102 liệt sĩ.

Giây phút tương phùng sau nửa thế kỷ vừa mừng, vừa tủi khi âm dương giờ đây cách biệt. Những tiếng khóc, giọt nước mắt thay cho lời hỏi han. Làn khói hương thay cho những cái ôm. Liệt sĩ Phùng Văn Môn sẽ mãi mãi nằm lại nơi vùng đất khói lửa Quảng Trị. Nhưng liệt sĩ không đơn độc bởi luôn có đồng đội ở bên và còn rất nhiều ân tình nơi vùng đất thiêng của Tổ quốc.

Gần nửa thế kỷ, liệt sĩ Trần Đình Ân được trở về nhà, dẫu máu thịt đã hòa vào lòng đất mẹ. Hành trình dài 1.500 cây số, vượt không gian và thời gian, để được hội ngộ. Trên khắp đất nước Việt Nam, những cuộc tìm kiếm, những khát khao đoàn tụ vẫn từng ngày, từng giờ, hiện hữu trong những nếp nhà có người thân từng tham gia kháng chiến và nằm lại nơi chiến trường. Những hành trình ấy chưa bao giờ và không bao giờ dừng lại. Đi tìm nhau là nghĩa, là tình, là để tri ân và để nhắc nhớ về một thời oanh liệt nơi chiến trường, cũng để vơi bớt những nhớ thương.

Tháng 7 lịch sử, nhiều người chọn hành hương về Quảng Trị để đi tìm quá khứ. Dù là ở Thành Cổ Quảng Trị hay những khu nghĩa trang, nơi đâu cũng có những người đồng đội đi tìm nhau.

Dòng sông Thạch Hãn, Quảng Trị những ngày này tràn ngập ánh sáng lấp lánh của những ngọn hoa đăng. Năm ấy, trong mưa bom bão đạn, hàng nghìn chiến sĩ với lòng quả cảm đã anh dũng hy sinh, để những tuổi đôi mươi hóa thành sóng nước. Chiến tranh lùi xa, nơi đây được xem như một nghĩa trang liệt sĩ không bia mộ. Bởi thế, những người đồng đội vẫn đến nơi đây để tìm nhau, trò chuyện cùng nhau qua những ngọn hoa đăng. Để những cuộc hội ngộ diễn ra trong tâm tưởng, dù cho âm dương có cách biệt. Biết ơn và tri ân - đó là bài ca không thể nào quên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước