Rong ruổi trong các đường làng, ngõ xóm, đi từng phố đến từng nhà, vào tận từng ngõ ngách, lực lượng đồng nát, ve chai vẫn đang là lực lượng chính thu gom rác nhựa tại Việt Nam. Chính bởi vậy, việc phát huy năng lực của họ trong bối cảnh từ đầu năm sau bắt buộc phân loại rác từ nguồn là rất cần thiết.
"Trước kia chưa phân loại, tôi bán xôi không được bao nhiêu tiền. Từ ngày biết đến công ty này, các bạn hướng dẫn cho phân loại các loại nhựa thì mình lãi hơn, thu nhập ổn định hơn", chị Nguyễn Thị Cúc (chiến binh xanh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Mỗi điểm gom phế liệu như của chị Cúc, giờ được gọi là một điểm "Xanh phố" và mỗi người làm đồng nát như chị được gọi là một "chiến binh xanh".
Những đóng góp với môi trường của hơn 3.000 chiến binh xanh đã bước đầu được ghi nhận.
"Mình nhận thức được kiến thức rộng rãi hơn về nhựa, thỉnh thoảng động viên tinh thần chị em và cho đi hội thảo, phát quà hàng tháng, tiền bảo hiểm, thậm chí còn tặng cả xe đạp, hỗ trợ thuê nhà. Phấn khởi lắm", chị Nguyễn Thị Cúc chia sẻ thêm.
Ba năm kể từ khi tham gia vào việc "Hồi sinh rác nhựa", những đóng góp với môi trường của hơn 3.000 chiến binh xanh đã bước đầu được ghi nhận.
Mỗi năm một lần, vào dịp tháng 10, cô bác, chị em lại gặp mặt, vừa là để gặp gỡ, san sẻ nỗi lòng, vừa là dịp để tôn vinh một nghề thầm lặng nhưng có ý nghĩa.
"Không bao giờ nghĩ là có ngày thay đổi như ngày hôm nay, nghĩ là đi mình đi hàng ngày để kiếm tiền nuôi cháu ăn học", chị Nguyễn Thị Liễu (chiến binh xanh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.
Tạm nghỉ một buổi làm việc, chị Cúc hôm nay có dịp hội ngộ với hơn 500 chiến binh xanh tại Hà Nội. Công việc dù còn nhiều vất vả nhưng giờ được ghi nhận, chị và những chiến binh khác vẫn thấy rất vui.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!