Tính đến thời điểm trưa 16/2 theo giờ Việt Nam, số người thiệt mạng trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt quá con số 41.000 và trở thành một trong những thảm họa động đất chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại.
Công tác cứu hộ vẫn đang được đẩy mạnh, bên cạnh các nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương còn có sự chung tay, góp sức của cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng không đứng ngoài nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, với mong muốn đóng góp phần nào cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Chúng ta đã lần lượt cử hai đội cứu hộ của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng với tổng cộng 100 thành viên đến khu vực chịu thiên tai.
Đoàn cứu hộ cứu nạn của Quân đội Việt Nam sử dụng máy móc hiện đại để dò tìm nạn nhân tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Văn Hiếu)
Phóng viên Chuyển động 24h đã kết nối với phóng viên Anh Phương - thường trú Đài THVN tại Trung Đông - người đã đi cùng với các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam từ những ngày đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ, để cập nhật về tình hình cứu hộ hiện nay.
Xin chào anh Anh Phương! Xin anh cho biết công tác cứu hộ hiện nay đang diễn biến ra sao và chúng ta phối hợp như thế nào với chính quyền sở tại để đạt hiệu quả cao nhất?
Phóng viên Anh Phương: Định kỳ 8h sáng hàng ngày, các đoàn cứu hộ, trong đó có chúng ta, sẽ có cuộc họp điều phối chung với đoàn cứu hộ các nước. Mỗi đoàn cứu hộ quốc tế sẽ được phân một khu vực riêng để hoạt động. Tuy nhiên khi tiếp cận hiện trường, sẽ đều cần phối hợp với lực lượng cứu hộ sở tại. Lực lượng cứu hộ sở tại sẽ khoanh vùng các khu vực nhiều khả năng có người mắc kẹt, dựa trên khai báo của hàng xóm hay người thân.
Sau đó, chúng ta mới đưa lực lượng trinh sát, chó nghiệp vụ và các thiết bị dò tìm vào. Nếu như chó nghiệp vụ hay các thiết bị dò tìm phát hiện được người bị mắc kẹt, thông qua cho đánh hơi hay hình ảnh truyền qua camera thì lúc đó có thể đưa lực lượng công binh để đào xới, trên tinh thần mỗi phút giây có thể là một sự sống nhưng cũng hết sức thận trọng, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm người mất tích tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Văn Hiếu)
Vậy kế hoạch sắp tới của đoàn công tác ra sao, thưa anh?
Phóng viên Anh Phương: Câu hỏi này được chúng tôi đặt ra với lãnh đạo đoàn Bộ Quốc phòng đang làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Và một tinh thần được quán triệt đến từng chiến sỹ, chúng ta sẽ còn hỗ trợ cho tới khi nào phía bạn ổn định mới trở về. Ổn định ở đây có thể hiểu là khi các công tác tìm kiếm cứu hộ về cơ bản được hoàn thành và phía Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang các hoạt động tái thiết là chủ yếu.
Hiện đoàn Bộ Quốc phòng của chúng ta sang đây chuẩn bị nhu yếu phẩm cho 1 tháng, nhưng ngày về chính xác thì vẫn bỏ ngỏ.
Chúng tôi những ngày qua đã cùng sinh hoạt với các chiến sỹ của chúng ta thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cảm nhận được hết những khó khăn, trong hoạt động tại hiện trường cho tới việc phải sinh hoạt trong những lều tạm, ban đêm thời tiết xuống dưới 0 độ. Nhưng những điều đó đã không làm nao núng tinh thần của các chiến sỹ chúng ta thực hiện trách nhiệm quốc tế của mình.
Những khó khăn trong công tác cứu hộ động đất
Trận động đất đã tàn phá một khu vực rộng lớn miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria, khiến cơ sở hạ tầng bị hủy hoại hầu như hoàn toàn. Trong bối cảnh như vậy, việc cứu hộ cứu nạn diễn ra vô cùng khó khăn.
Không khí nghiêm túc của một buổi quán triệt trước khi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn của chiến sĩ thuộc đội cứu hộ Bộ Công an. Đoàn di chuyển đến địa điểm mới trong thành phố Adiyaman. Đội sử dụng máy dò ra-đa, hình ảnh âm thanh để rà soát xem còn sự sống trong khu vực đổ nát hay không. Nếu phát hiện còn người sống sót, các chiến sĩ sẽ hết sức thận trọng, tránh tác động sập đổ tiếp theo gây nguy hiểm cho người bị nạn.
Đội cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC và CNCH)
Quãng đường di chuyển dài, thời tiết khắc nghiệt âm 2 đến âm 6 độ C và đối mặt với điều kiện cứu hộ chưa từng gặp ở Việt Nam là những khó khăn mà đội cứu hộ phải vượt qua.
Thành phố Adiyaman - địa phương mà đoàn Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ - là một trong 3 vùng bị thiệt hại nhiều nhất trong thảm họa động đất sáng 06/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đội cứu nạn, cứu hộ Việt Nam và Pakistan chụp ảnh lưu niệm sau khi giải cứu thành công nạn nhân 14 tuổi. Ảnh Cục Cảnh sát PCCC&CNCH
Những trường hợp sống sót kỳ diệu sau động đất
Đã 10 ngày trôi qua từ khi động đất xảy ra, thời gian càng lâu, hi vọng tìm thêm người còn sống càng ít dần. Tuy nhiên như chúng ta vẫn thường nói "còn nước, còn tát", các nỗ lực cứu hộ vẫn đang được đẩy mạnh nhằm tìm thêm người còn sống, mang về hạnh phúc cho gia đình của các nạn nhân. Cho đến nay, đã có không ít những câu chuyện về khả năng sống sót kì diệu của những nạn nhân động đất.
Một người phụ nữ đã được giải cứu ở thành phố Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ sau 203 giờ bị chôn vùi dưới đống gạch đá. Trong suốt quãng thời gian đó, bà đã chống chịu không chỉ các tổn thương về sức khỏe mà còn cả tình trạng thiếu đồ ăn, nước uống trong cái lạnh giá của mùa đông.
Một cụ bà đã 77 tuổi, bị chôn vùi trong suốt 212 giờ đồng hồ tại thành phố Adiyaman. Cụ đã được đội cứu hộ giải cứu và đưa đến bệnh viện để nhận các chăm sóc y tế.
Một người phụ nữ Syria có tên Majida Hakavati đã sống sót sau 5 ngày bị gạch đá của chính ngôi nhà mình đè lên người. Những người chứng kiến quá trình giải cứu đã vỗ tay trong vui mừng và xúc động khi thấy cô còn sống và không nguy hiểm đến tính mạng.
Chúng ta chỉ có thể tiếp tục hi vọng rằng sẽ có thêm nhiều người được cứu sống trong những ngày tới. Một, hai tuần tới cũng được xem là thời điểm cuối của quá trình cứu hộ trước khi chuyển sang giai đoạn tái thiết khu vực chịu động đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!