Trong tuần qua, mạng xã hội đã có một thống kê vui thế này về tình hình các cuộc thi người đẹp tại Việt Nam. Mỗi năm có hơn 25 cuộc thi người đẹp được tổ chức, mỗi cuộc thi trung bình khoảng 30 thí sinh tham gia. Tới năm 2050, chúng ta sẽ có 2.100 người từng đội vương miện trên tổng số 21.000 thí sinh từng thi Hoa hậu. Quả là người đẹp quanh ta!
Tất nhiên con số này chỉ là thống kê vui, nhiều hay ít cũng còn tùy quan điểm của từng người. Nhưng rõ ràng dựa trên thực tế chưa bao giờ nước ta có nhiều cuộc thi Hoa hậu được tổ chức như hiện nay. Lúc này, câu hỏi đặt ra là: "Nhiều cuộc thi Hoa hậu thì sao?", "Cần siết chặt hay để tự đào thải với các cuộc thi kém chất lượng?".
Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, năm 2022 cả nước sẽ có tổng cộng khoảng 25 cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức. Có nhiều lý do cho con số này, trong đó, lý do được cho là có ảnh hưởng nhiều nhất chính là việc áp dụng Nghị định số 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Cơ bản điểm mới của Nghị định 144 này là sẽ cắt giảm, đơn giản hóa rất nhiều thủ tục hành chính trong việc xin phép tổ chức các cuộc thi người đẹp. Cụ thể, có 6/10 thủ tục hành chính đã được cắt giảm; thứ hai là việc phân cấp cho các địa phương, hoạt động được tổ chức ở địa phương nào thì thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương đó.
Phải nói ngay rằng: đơn giản hóa thủ tục và phân cấp về địa phương quản lý là xu hướng quản lý các hoạt động nghệ thuật biểu diễn của nhiều nước trên thế giới và con số 25 cuộc thi được tổ chức trong 1 năm cũng chưa phải là nhiều nếu so với 60 cuộc thi người đẹp vẫn diễn ra hàng năm tại Phillipines chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu chỉ có nhiều cuộc thi được tổ chức thì đã là một lẽ, ở đây chất lượng của các cuộc thi này mới là dấu hỏi lớn làm dậy lên nhiều quan điểm trái chiều.
Thực trạng số lượng cuộc thi Hoa hậu
Nhiều cuộc thi, không thể phân biệt được ai với ai là bình luận của nhiều khán giả khi theo dõi thông tin về các cuộc thi Hoa hậu năm nay. Về phía cơ quan chức năng, Nghị định 144 ra đời đã góp phần giảm bớt thủ tục, tập trung tiền kiểm, hậu kiểm. Nhưng thực tế triển khai đã phát sinh các cuộc thi kém chất lượng, một số cuộc thi sai phạm dẫn tới bị xử lý.
Theo bà Phạm Kim Dung, đại diện đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi nhan sắc uy tín trong nước, việc có thêm nhiều cuộc thi cũng góp phần tạo ra sân chơi cho các thí sinh rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm, tiếp cận tiêu chuẩn của các cuộc thi nhan sắc quốc tế.
Thực tế cho thấy, có những Hoa hậu không ai nhớ mặt, nhớ tên ngay sau khi bước ra khỏi cuộc thi, cũng có những Hoa hậu duy trì được sức ảnh hưởng, tích cực đóng góp cho cộng đồng. Đó minh chứng cho việc cuộc thi nào có chất lượng, cuộc thi nào không.
Trên các mặt báo, trang tin, thông tin về các cuộc thi Hoa hậu xuất hiện dày đặc và thật sự bùng nổ trong năm nay. Vì sao lại như vậy? Thứ nhất, bao gồm các cuộc thi đã dồn lại từ 2 năm trước, do dịch bệnh mà không thể tổ chức, dù đã được cấp phép. Thứ hai, trong số những cuộc thi Hoa hậu được truyền thông trên các báo, có những cuộc thi vi phạm, khi chưa được phép đã tổ chức thi. Như thời gian qua, đơn vị tổ chức Miss Peace Vietnam đã bị phạt hành chính do tổ chức vòng sơ tuyển không phép tại TP Hồ Chí Minh. Hay một trường hợp khác cũng bị xử lý là Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam.
Trước các sai phạm này, mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng đã có văn bản, đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn, các Sở, UBND các tỉnh, thành rà soát, kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu hiện nay; quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các cuộc thi.
Top 10 Hoa hậu Áo dài Việt Nam 2022
Dường như có rất nhiều cuộc thi sắc đẹp, trong tên cuộc thi đều có 2 từ "Hoa hậu" hay "Việt Nam". Trước đây, chỉ có rất ít cuộc thi được cấp phép với tên danh hiệu này, còn lại có thể là "Hoa khôi", "Người đẹp". Nay, sự xuất hiện dày đặc của 2 từ "Hoa hậu" cũng khiến người xem có cảm giác là bị nhiều. Trong khi, mỗi cuộc thi lại có những tiêu chí chọn thí sinh riêng, những thông điệp riêng, lan tỏa nét đẹp văn hóa vùng miền. Vậy có nên làm rõ hơn những điểm riêng đó? Giả sử theo công thức: tên hoa hậu + địa phương. Ví dụ: "Người đẹp miền cao nguyên đá" tôn vinh vẻ đẹp, văn hóa, con người Hà Giang; hay "Hoa khôi Nam Bộ", "Người đẹp xứ Tuyên"…
PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng: "Việc xác định quy mô ngay từ việc đặt tên là một giải pháp tốt. Chúng ta cần có những quy định cụ thể: cuộc thi nào là quy mô quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương. Cần có hội đồng có chất lượng, lựa chọn quy mô từ cấp thấp lên cấp cao có tính chuyên nghiệp, hệ thống của nó. Từ đó, chúng ta sẽ xác định được, phân loại được, định hướng được sự quan tâm của dư luận, tránh việc nhập nhèm trong việc đặt tên".
Hoa hậu hòa bình Thế giới 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên kết thúc nhiệm kỳ
Quả thật, quá nhiều người với danh xưng Hoa hậu mà chúng ta khó có thể nhớ được hết mặt, hết tên. Thế nhưng, những người đẹp gây ấn tượng thì hầu hết đều bước ra từ những cuộc thi lớn, chất lượng, uy tín. Một cô gái trở thành hiện tượng trong suốt năm qua và gây tiếc nuối khi kết thúc nhiệm kỳ của mình ngày 25/10 là Hoa hậu Hòa bình Thế giới Nguyễn Thúc Thùy Tiên.
Thùy Tiên từng tạo ra cú nổ lớn khi là đại diện Việt Nam đầu tiên chiến thắng tại Hoa hậu Hòa bình Quốc tế. Suốt 1 năm qua, Thùy Tiên không ngừng lan tỏa những thông điệp hòa bình tích cực, với những chuyến đi tới 13 quốc gia, và thật sự chứng minh vẻ đẹp của tiêu chí 3B: ngoại hình, thần thái và trí tuệ.
Để có được thành tích ấy, Thùy Tiên cũng đã trải qua nhiều cuộc thi trong nước và cả quốc tế. Từ đó có thêm trải nghiệm, kỹ năng trình diễn, ứng xử, sự tự tin và năng lượng mà chúng ta cảm nhận được rất mạnh mẽ từ cô gái này. Bởi vậy, cũng đúng khi nói có nhiều cuộc thi là tạo thêm sân chơi, kinh nghiệm cho các cô gái.
Thùy Tiên trao vương miện Hoa hậu cho Thiên Ân
Việc thi sắc đẹp thì đã có từ lâu. Các cấp trường còn có bé khỏe bé đẹp, đại học thì có Hoa khôi trường… Theo lý mà nói, việc tổ chức thi đúng pháp luật, thí sinh chọn đi thi cũng không có gì sai phạm. Các cuộc thi là để tôn vinh cái đẹp, nên chăng hãy coi đó là chương trình văn hóa, giải trí?
Với câu hỏi "Nhiều cuộc thi Hoa hậu thì sao?", câu trả lời có lẽ cũng nằm ở chính chúng ta, những vị khán giả. Hay thì xem, không thích có thể chuyển kênh. Sự ủng hộ, theo dõi từ dư luận cũng chính là thước đo chất lượng để sàng lọc cuộc thi nào thì nên ở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!