Không hạn chế số lượng cuộc thi hoa hậu: "Cởi trói" nhưng sợ loạn danh hiệu?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 14/07/2020 07:29 GMT+7

VTV.vn - Việc "cởi trói" cho các cuộc thi nhan sắc cũng là cách "cởi trói" cho những định kiến lâu nay, dần dần trả lại cho các cuộc thi này giá trị thật của nó.

Những cuộc thi nhan sắc luôn có sức hấp dẫn đặc biệt trong nhiều năm qua. Vì thế, mỗi khi có ai đó được vinh danh Hoa hậu, Hoa khôi thì gần như cuộc đời bước sang trang mới chỉ sau 1 đêm đăng quang - nổi tiếng hơn, giàu có hơn.

Chiếc vương miện được xã hội trao cho rất nhiều ân sủng, kỳ vọng. Nhưng cũng vì thế mà khi các cuộc thi nhan sắc xảy ra tiêu cực, hay những người đẹp có sai phạm về đạo đức lối sống lại khiến dư luận thất vọng và phán xét.

Không hạn chế số lượng cuộc thi hoa hậu: Cởi trói nhưng sợ loạn danh hiệu? - Ảnh 1.

Top 10 Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019. Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên nhằm chọn ra thí sinh tham dự Miss World - Hoa hậu Thế giới.

Mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã soạn thảo Nghị định mới thay thế cho các Nghị định cũ về nghệ thuật biểu diễn. Ngày 14/7, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến về dự thảo này, trong đó có nhiều đổi mới về hoạt động quản lý thi người đẹp, người mẫu. Trong đó, những điểm đáng chú ý là:

- Không giới hạn số lượng, quy mô cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước: Trước đây, quy định mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi nhan sắc quy mô quốc gia, 3 cuộc thi cấp vùng/ngành, cấp tỉnh chỉ có 1 cuộc thi sắc đẹp.

- Không quy định cách gọi danh hiệu: Trước đây, cuộc thi nhan sắc quy mô quốc gia thì mới được phong danh hiệu Hoa hậu, nhỏ hơn thì gọi là Hoa khôi.

- Điều kiện thi nhan sắc quốc tế: Chỉ cần có giấy mời của Ban tổ chức cuộc thi, không nhất thiết phải trong top 3 cuộc thi người đẹp trong nước.

- Giao hoàn toàn quyền quyết định chỉ đạo điều hành các cuộc thi nhan sắc cho các địa phương, câp Trung ương chỉ đề ra nguyên tắc và giám sát.

Việc không hạn chế số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước, bất cứ ai muốn tham gia thi nhan sắc quốc tế cũng có thể được xem xét chấp nhận có thể sẽ mở toang cánh cửa cho các sân chơi nhan sắc. "Cởi trói" cho các cuộc thi sắc đẹp nhưng làm thế nào để không buông lỏng quản lý? Liệu có nguy cơ loạn danh hiệu và các hệ lụy xã hội khác như dư luận từng lo ngại?

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng: "Trong xã hội có nhu cầu đối với vương miện Hoa hậu, danh hiệu Hoa hậu nên rất nhiều cuộc thi Hoa hậu được tổ chức, kể cả cuộc thi không được cấp phép. Chính vì vậy cần phải chấn chỉnh vấn đề này. Nghị định mới cũng nhằm đến điều này".

Không hạn chế số lượng cuộc thi hoa hậu: Cởi trói nhưng sợ loạn danh hiệu? - Ảnh 3.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hay Cục Nghệ thuật biểu diễn không cấp phép tổ chức các cuộc thi nhan sắc mà trao lại quyền này cho các địa phương nhằm tránh việc mượn danh cuộc thi đi xin tài trợ, quảng bá rồi dẫn đến những hệ luỵ đáng tiếc.

Một vấn đề đáng chú ý trong vài năm qua là quy định chỉ những người đẹp lọt top 3 ở cuộc thi nhan sắc trong nước mới đủ điều kiện tham dự các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới đã khiến rất nhiều người đẹp "vượt rào", thâm chí còn đạt giải cao ở "đấu trường sắc đẹp" quốc tế. Song, họ lại bị phạt cả chục triệu đồng chỉ vì "thi chui".

Chia sẻ quan điểm về quy định thoáng hơn rằng chỉ cần có giấy mời của Ban tổ chức là có thể sang nước ngoài dự thi, ông Bùi Hoài Sơn đồng tình và rất ủng hộ: "Các cuộc thi quốc tế đều có tiêu chí, quy định riêng để tìm những người phù hợp với những điều kiện đó. Trong khi đó, chúng ta lại đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn của mình để phù hợp với thế giới thì điều này là không đúng. Chính vì thế nên chúng ta phải điều chỉnh". 

"Chúng ta cần tôn trọng quyền về văn hoá của người dân. Người dân có quyền tham gia vào những cuộc thi này, Nhà nước không nên cấm đoán khi họ đã phù hợp với những tiêu chí của các cuộc thi thế giới đề ra. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi quy định và việc thay đổi này là hoàn toàn phù hợp. Tôi đánh giá cao thay đổi này" - ông Bùi Hoài Sơn bày tỏ.

Không hạn chế số lượng cuộc thi hoa hậu: Cởi trói nhưng sợ loạn danh hiệu? - Ảnh 4.

Lê Âu Ngân Anh là một trong những người đẹp vướng phải lùm xùm sau khi đạt danh hiệu một cuộc thi nhan sắc trên thế giới - Á hậu 4 Hoa hậu Liên lục địa 2018

Ông Sơn cũng nhấn mạnh khái niệm "người đẹp đến từ Việt Nam" thường nghe thấy trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế hoàn toàn khác với khái niệm "người đẹp của Việt Nam". "Những người đẹp ấy không thể nào là biểu tượng hay tượng trưng cho nhan sắc của một quốc gia mà chỉ là những người phù hợp với tiêu chí của các cuộc thi quốc tế" - ông Bùi Hoài Sơn lý giải.

Có thể nói, các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi vẫn rất quan trọng trong xã hội ngày nay vì nó tôn vinh vẻ đẹp, tôn vinh giá trị của con người Việt Nam. Song, cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng, không nên bắt các cuộc thi chịu nhiều áp lực rồi đặt lên vai Hoa hậu, Hoa khôi quá nhiều trọng trách. Bởi theo ông Bùi Hoài Sơn, những cuộc thi này dù vẫn tôn vinh vẻ đẹp, những tấm gương nhưng nên để người đăng quang thể hiện vai trò của họ trong xã hội một cách bình thường nhất có thể.

Nhìn lại các cuộc thi nhan sắc trong nước và thế giới, có thể thấy những người mang vương miện ngày càng có trình độ học vấn cao hơn. Điều này cho thấy các cuộc thi đang hướng tới sự hài hòa giữa vẻ đẹp hình thể và trí tuệ. Nhưng cũng không thể phủ nhận về cơ bản đó vẫn là các cuộc thi nhan sắc. Cũng giống như quan điểm của PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, nếu đặt quá nhiều kỳ vọng, chiếc vương miện không chỉ trở thành quá nặng cho người mang nó mà còn có thể tạo ra ảo tưởng cho cả cộng đồng về những giá trị không có thật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước