Chỉ còn 1 tuần nữa là Tết Dương lịch, 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán, nhìn vào lịch trình những ngày còn lại trong năm này, mỗi chúng ta có lẽ đều có nhiều cuộc vui, gặp mặt đang chờ đợi chúng ta.
Lý do cho các cuộc vui cuối năm này, không thể kể hết. Chúng ta có thể kể đến như: Tiệc tổng kết tại công ty, tiệc chào từ biệt đồng nghiệp lên đường về quê ăn Tết, rồi gặp mặt khách hàng "ruột", ghé đối tác thu hồi nợ, vui vui cũng phải làm vài chén… Nhiều vô kể những lý do cứ lặp đi lặp lại mỗi dịp cuối năm.
Vấn đề là trái lại với niềm vui gặp mặt, đây cũng là lúc tới mùa xuất hiện của loạt những tít bài báo như: Cẩn trọng đau dạ dày do uống nhiều rượu bia cuối năm; đến Nguy cơ ngộ độc rượu; hay nguy hiểm hơn là những Rượu bia và "xe điên" náo loạn đường phố …
Thói quen "rượu bia" xuất phát như thế nào?
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Cụ thể là khoảng 170 lít bia/người/năm. Không phải tự nhiên mà người Việt Nam lại yêu những cuộc nhậu đến thế.
Rượu là một loại đồ uống có từ lâu đời và tồn tại trong nhiều nền văn hóa. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Nhờ chứa chất kích thích, rượu có khả năng làm thay đổi trạng thái tâm lý, tình cảm của con người, đặc biệt giúp cho họ mạnh bạo, thoải mái hơn trong quan hệ giao tiếp. Do đó, từ một loại thức uống, rượu được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp như tiếp khách ("khách đến nhà không trà thì rượu"); kết bạn ("rượu ngon phải có bạn hiền"); thổ lộ tình cảm (rượu vào, lời ra) hoặc làm phương tiện không thể thiếu trong các dịp lễ lạt ("phi tửu bất thành lễ")…
Vậy là bản chất việc sử dụng đồ uống có cồn là tốt, nó dùng để gắn kết những con người trong 1 cộng đồng với nhau. Nhưng khi bị lạm dụng, rượu bia lại là nguyên nhân dẫn tới những vụ tai nạn, ẩu đả, hành động mất kiểm soát...
Cách đây một tuần, một vụ tai nạn xảy ra tại phố Bạch Mai, Hà Nội cách đây 1 tuần. Khi nhiều phụ huynh đang đứng chờ con tan học thì một xe ô tô mất lái lao tới, 10 xe máy bị hất văng, 2 chiếc khác bị kéo lê dưới gầm. Còn tài xế điều khiển ô tô được xác định là có nồng độ cồn vượt mức kịch khung theo Nghị định 100.
Đây chỉ là một trong số hàng chục nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn được lực lượng Cảnh sát Giao thông ghi nhận trong đợt thực hiện cao điểm bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang diễn ra này.
Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: Trần Trung/Dân trí).
68% vẫn lái xe khi đã uống rượu bia. Lý do thứ nhất phải nói tới là nguyên nhân chủ quan, chính là tâm lý "uống 1 tí có sao đâu". Theo khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - ĐH Việt Đức, có tới 68% người đã uống rượu bia nhưng khi ra về vẫn trực tiếp lái xe. Nơi dễ thấy nhất cho lý do này là trong lời biện minh của người vi phạm tại các chốt kiểm tra an toàn giao thông trên đường.
1001 kiểu ép uống rượu "kinh điển"
"Đã uống rượu bia thì không lái xe", vấn đề ở đây không phải là còn đủ tỉnh để lái xe hay không. Vấn đề ở đây là nhiều người đang cố hiểu sai thông điệp này. Xin được nhắc lại, đây là loại câu khẳng định, dễ hiểu và rất rõ rằng là: "Đã uống rượu bia thì không lái xe".
Lý do thứ 2 của việc tái diễn những vụ việc vi phạm nồng độ cồn này có thể tóm gọn là nguyên nhân khách quan, nghĩa là những tình huống phải uống dù không thực sự muốn, hay nói gọn là bị ép uống rượu. Lý do được người ta đưa ra để ép nhau uống thì loanh quanh cũng chỉ có thế, chẳng mới nhưng vẫn luôn là những câu nói khó đối mặt.
Về hành vi ép buộc người khác uống rượu bia, từ năm 2020, Chính phủ đã có nghị định 117 quy định về việc xử phạt hành vi này. Trong đó nêu rõ, sẽ xử phạt 1-3 triệu đồng với hành vi ép buộc người khác uống rượu bia. Tuy nhiên, thực tế việc tố giác bạn nhậu hoặc người gián tiếp đẩy mình vào tình huống phải uống rượu là khó xảy ra, vì nể và cũng vì lấy đâu ra bằng chứng mà tố cáo. Nhiều chuyên gia cũng nhận định: Nghị định này đưa ra không nhằm mục đích phạt mà mục đích là để thay đổi nhận thức, để người ép rượu biết rằng đây là hành vi sai. Nhưng khó không có nghĩa là không thể.
Cách đây ít hôm, các mặt báo lại nóng lên với vụ việc: Một nữ hiệu trưởng trường mầm non ở Đăk Nông bị 24 trên tổng số 37 giáo viên nhà trường cùng ký đơn tố cáo nhiều vi phạm, trong đó có việc phân công giáo viên đi uống bia, rượu, tiếp khách trong giờ hành chính. Vị hiệu trưởng này thì xác nhận có chỉ "rủ" giáo viên đi uống rượu thôi, nhưng lời "rủ" này tới từ người quản lý, lặp lại nhiều lần và lại là đi "vì công việc", thì nhân viên nào có thể chối?
Cùng với các lực lượng chức năng, tiếng nói của cá nhân mỗi người trong việc chống lại "nạn rượu - bia" là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, trong cuộc sống, bàn nhậu là một phần rất có thể xuất hiện, vậy nên, có lẽ ai cũng cần chuẩn bị một chiến thuật phù hợp để đối phó với những tình huống "ép rượu" mà mình có thể gặp trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!