Chuyện chưa kể của "bông hồng" cống hiến thầm lặng trên tuyến đường sắt

Minh Tân-Thứ sáu, ngày 08/03/2024 12:09 GMT+7

VTV.vn - Bằng sự nỗ lực và ước mơ trở thành thành viên của ngành đường sắt Việt Nam, chị Nhung - nữ nhân viên đường sắt, đã có một hành trình nghề nghiệp nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Nuôi ước mơ trên những chuyến tàu từ tấm bé

Sinh ra trong gia đình có cha từng là nhân viên tuần cầu đường sắt Vinh - Đồng Hới, còn mẹ cũng từng là nhân viên phục vụ ăn uống cho hành khách trên tuyến này, chị Trần Thị Nhung, 34 tuổi, quê Quảng Bình từ nhỏ đã có niềm say mê với những toa tàu.

Gặp chị Nhung trên chuyến tàu từ Quảng Nam đến TP Hồ Chí Minh, phóng viên VTV Times được biết, từ hồi chưa tròn 5 tuổi, chị Nhung đã được cha dẫn đi cùng tới những công trình cầu, đường sắt. Rồi lớn thêm chút nữa, vào những ngày cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ, chị theo mẹ phục vụ hành khách trên những chuyến tàu. Từ những ngày thơ bé, chị Nhung đã được thắp ngọn lửa say mê với đường sắt và khát khao được vào làm ở ngành này để phục vụ mọi người.

Chuyện chưa kể của bông hồng cống hiến thầm lặng trên tuyến đường sắt - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Nhung đọc thông báo qua loa phát thanh trên tàu khi tàu sắp đến ga trong căn phòng nghỉ ngơi nhỏ bé của mình. Ảnh: Minh Tân.

Sau khi học xong lớp 12, chị chọn cho mình học hệ sơ cấp thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Sau 1 năm, chị được đồng hành và cùng gắn bó với nghề đến nay đã hơn 1 thập kỷ.

Với gần 15 năm trong nghề, chị Nhung đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ cùng với những chuyến tàu. Kể về khoảnh khắc từng tham gia đỡ đẻ cho một sản phụ trên chuyến tàu từ TP Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng, chị Nhung không giấu được niềm vui.

Đó là một ngày đầu tháng 9/2023, khoảng 17h, tiếp viên toa tàu phát hiện một nữ hành khách có biểu hiện chuyển dạ, sắp sinh con. Lập tức, vụ việc được thông báo đến trưởng tàu. Nhận được tin báo, chị Nhung nhanh chóng xuống toa nắm bắt tình hình, đồng thời phát loa trên tàu để tìm kiếm hành khách có chuyên môn về y trợ giúp.

"Sau đó thì có 2 nữ bác sĩ trên tàu cùng đến hỗ trợ. Khoảng 15' sau, sản phụ đã sinh một bé gái nặng hơn 3kg an toàn, khỏe mạnh trong niềm vui của nhiều người" - chị Nhung chia sẻ.

Khi tàu đến ga Đà Nẵng, tổ tàu đã bàn giao mẹ con sản phụ cùng hành lý, tư trang cho nhân viên y tế địa phương để đưa đến bệnh viện chăm sóc.

Chuyện chưa kể của bông hồng cống hiến thầm lặng trên tuyến đường sắt - Ảnh 2.

Chị Nhung đỡ đẻ thành công cho một sản phụ trên tàu hồi tháng 9/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nghĩ lại về kỷ niệm lúc đó với nụ cười rạng rỡ, chị Nhung cho biết: "Hôm sau, tôi có ghé bệnh viện Đà Nẵng thăm mẹ con sản phụ, trong lòng cảm thấy rất vui. Ban đầu, tôi cũng rất sợ và lo lắng nhưng với sự hướng dẫn của 2 nữ bác sĩ trên tàu, chúng tôi đã kịp thời hỗ trợ sản phụ vượt cạn thành công. Tới giờ, tôi có thể kể về điều đó như một niềm tự hào của bản thân".

Trong câu chuyện chia sẻ với phóng viên VTV Times, chị Nhung còn "bật mí" về một kỷ niệm năm 2012, khi có một đoàn khách là phóng viên thuộc đài truyền hình nước ngoài.

Họ đi tuyến Nha Trang – Hà Nội. Ban đầu, vì bất đồng ngôn ngữ nên chị cùng đoàn khách này giao tiếp qua ứng dụng chuyển đổi ngôn ngữ trên điện thoại. Vượt qua rào cản ngôn ngữ lúc ấy, mọi người nói chuyện rất hăng say và quý mến chị Nhung. Thậm chí, có một người đàn ông trong đoàn muốn nhận chị làm con nuôi.

Những tưởng, đó chỉ là câu chuyện trong lúc tình cảm dâng trào thì 2 năm sau khi tạm biệt đoàn khách kể trên, có một người phụ nữ gọi điện thoại đến chị Nhung, nói rằng có đoàn khách năm xưa và người đàn ông năm đó muốn gặp lại chị để hỏi thăm.

"Lúc đầu, tôi chưa kịp nhớ ra nhưng lát sau, khi nghe lại giọng người đàn ông ấy, mặc dù tôi không hiểu ông đang nói gì nhưng có thể hiểu được ông đang rất vui khi được gặp lại tôi" – chị Nhung hào hứng kể.

Chuyện chưa kể của bông hồng cống hiến thầm lặng trên tuyến đường sắt - Ảnh 3.
Chuyện chưa kể của bông hồng cống hiến thầm lặng trên tuyến đường sắt - Ảnh 4.

Khoang giường nằm trên tàu.

Những ngày lễ trên toa tàu

Bên cạnh những niềm vui, chị cũng cho biết những thăng trầm của nghề. Vì thường xuyên "bám" tàu nên sau khi lập gia đình và sinh con vào năm 2015, chị phải thực hiện song song hai nghĩa vụ - vừa là một người vợ, người mẹ, vừa là một nhân viên mẫn cán của ngành đường sắt. Những lúc phải thực hiện nhiệm vụ, chị phải xa gia đình chừng 3-4 ngày. Mỗi khi thấy trẻ con chạy nhảy trên tàu, chị liền vào phòng riêng, gọi điện thăm con hoặc lấy ảnh con ra xem.

Với những ngày lễ trong năm, chị Nhung tâm sự, hầu như ngày lễ nào chị cũng đón trên tàu, kể cả 8/3 cũng vậy. Những ngày này, chị thường được tập thể tổ tàu tặng những đóa hoa, phần quà, gia đình cũng gửi những lời chúc, động viên, nhưng cảm xúc phụ nữ trỗi dậy đôi khi khiến chị tủi thân, nghẹn lời...

Nén lại, sau một hơi thở sâu, chị Nhung cho biết, tình yêu với nghề này quá lớn, bởi nghề cho chị được tiếp xúc với nhiều người, đi nhiều nơi. Dẫu công việc hằng ngày là đi theo tàu, đón – tiễn khách, vệ sinh tàu, thông báo qua loa phát thanh nhưng đây sẽ là công việc chị Nhung muốn gắn bó đến ngày về hưu. "Tôi chỉ có một ước mơ ngành đường sắt ngày càng phát triển, tiếp cận nhiều khách hàng, sẽ là phương tiện an toàn nhất để khi lựa chọn loại hình di chuyển, mọi người nghĩ đến đầu tiên là đi tàu hỏa".

Là thành viên cùng tổ tàu, anh Nguyễn Trung Kiên, trưởng tàu khách, Trạm tiếp viên Đà Nẵng, Đoàn tiếp viên đường sắt phương Nam (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), anh đánh giá cao về năng lực, tinh thần, trách nhiệm trong công việc của chị Nhung. Người phụ nữ nhỏ nhắn, luôn giúp đỡ các thành viên và có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công việc.

"Tại ga Sài Gòn, có khoảng 100 người phụ nữ làm việc trên tàu mỗi khi tàu di chuyển như chị Nhung. Đây là công việc rất khó khăn, vất vả và đầy sự hy sinh. Nhân ngày 8/3, tôi xin chúc các đồng nghiệp, chị em nhân viên nữ một ngày lễ thật vui, hạnh phúc và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao" – anh Kiên nói.

Chuyện chưa kể của bông hồng cống hiến thầm lặng trên tuyến đường sắt - Ảnh 5.

Đang chia sẻ với VTV Times, chị Nhung nhận hiệu lệnh thực hiện nhiệm vụ và cuộc trò chuyện kết thúc tại đây, để chị Nhung tiếp tục những công việc mà chị say mê từ ngày đầu tiên đến giờ.

Giữa tiếng xình xịch đều đặn của bánh xe lửa, trộm nghĩ, ngoài kia, chắc hẳn vẫn còn nhiều "bông hồng" như chị Nhung đang hối hả thực hiện nhiệm vụ trên những chuyến tàu. Họ chỉ đơn giản, là tận tâm với nghề, nhưng những con người lao động thầm lặng như thế, chắc chắn đang đều góp phần cho hình ảnh đẹp về ngành đường sắt Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước