Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng không chỉ trực tiếp gây ra những thiệt hại kinh tế trước mắt mà còn tác động đến những định hướng lâu dài của ngành nông nghiệp. Để tìm ra một cách sản xuất thích ứng với tình hình khí hậu như hiện nay là bài toán rất nan giải.
Vào giữa tháng 9/2015, hàng triệu nông dân vùng ĐBSCL hết sức lao đao bởi bà con phải chịu cảnh mất trắng hàng trăm ngàn ha lúa Hè Thu do ảnh hưởng của thời tiết. Những tưởng vượt qua những cơn mưa, dông ấy, đến vụ Đông Xuân này, bà con sẽ có được niềm vui. Thế nhưng, nắng hạn, xâm nhập mặn đã đánh tan những hy vọng nhỏ nhoi của người nông dân.
Để ứng phó trước tình trạng hạn mặn, nông dân, đặc biệt là người dân tại các địa phương ven biển, đã thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, trong đó có mô hình lúa - tôm. Tuy vậy, nông dân cũng không thoát khỏi cảnh 'dở khóc, dở cười' khi phải ngậm ngùi đón nhận những thiệt hại nặng nề do thời tiết gây ra.
Nỗi lo lắng, sự trăn trở ấy không chỉ của riêng người nông dân mà ngay cả các cơ quan chuyên môn cũng tỏ ra lúng túng trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay. Nếu kịch bản đó thật sự xảy ra, đời sống kinh tế của nông dân sẽ ra sao, nhất là tại ĐBSCL - vựa lúa, vựa thủy sản của cả nước? Câu trả lời đã dần được hé mở qua những thiệt hại chưa từng có trong sản xuất mà từng ngày, từng giờ bà con đang phải gánh chịu.
Thực tế, tình trạng mưa lũ, khô hạn, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp cho thấy biến đổi khí hậu không còn là dự báo mà nó đang xảy ra và trực tiếp đe dọa đến đời sống, hoạt động sản xuất của nông dân. Chính vì thế, những giải pháp ứng phó cần được các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.