Đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đây là những mục tiêu được Bộ Chính trị đặt ra đối với Hội Nông dân Việt Nam tại Đại hội lần thứ 8.
Muốn vậy, nông dân phải thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Ngày 25/12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023- 2028) vừa bước vào Ngày làm việc thứ nhất. Các đại biểu tập trung thảo luận và đưa ra nhiều chỉ tiêu cụ thể, mục tiêu chiến lược quan trọng của giai cấp nông dân Việt Nam trong 5 năm tới.
Với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển", Đại hội Hội Nông dân Việt Nam có 1.000 đại biểu tham dự, đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân của cả nước.
Dự kiến trong 3 ngày làm việc, Đại hội đưa ra 16 chỉ tiêu thi đua trong công tác Hội và phong trào nông dân, trong đó có 7 chỉ tiêu mới so với nhiệm kỳ trước như: Thành lập chi tổ hội nông dân nghề nghiệp; đào tạo bồi dưỡng nghề cho hội viên; thành lập tài khoản trên sàn thương mại điện tử cho hộ nông dân; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã…
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã kết nạp mới hơn 1,5 triệu hội viên, nâng tổng số hội viên cả nước của Hội lên hơn 10 triệu hội viên, thành lập hơn 2.500 Chi hội Nông dân nghề nghiệp.
Nông nghiệp kỷ nguyên số đặt ra rất nhiều yêu cầu và thách thức. Chỉ riêng 5 năm vừa qua, tình hình thế giới, thiên tai, dịch bệnh chưa từng có, biến đổi khí hậu, tác động, giá cả vật tư nông nghiệp biến động tăng cao.
Miền Bắc vừa trải qua 1 đợt rét đậm rét hại, thậm chí có băng giá ở miền núi. Còn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì phải thường xuyên phải ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn. Không chỉ năng suất cây lúa bị ảnh hưởng mà diện tích canh tác còn đang bị thu hẹp dần.
Năm 2016, Đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu đợt thiên tai trăm năm mới có một lần. Theo đó, hạn hán ảnh hưởng đến tất cả các địa phương, còn xâm nhập mặn tác động đến 9/13 tỉnh thành. Trong đó, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất, với trên 160.000 hecta đất canh tác, chủ yếu là lúa bị nhiễm mặn.
Đến năm 2020, xâm nhập mặn càng nghiêm trọng hơn khi ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế cho thấy so với năm 2015, diện tích trồng lúa tại ĐBSCL từ 4,3 triệu hecta nay đã giảm xuống còn 3,8 triệu hecta và sẽ còn giảm trong thời gian tới.
Sáng 26/12, Đại hội Hội Nông dân Việt Nam sẽ khai mạc chính thức. Đại hội này sẽ khởi động cho một giai đoạn mới của tổ chức Hội Nông dân và giai cấp nông dân cả nước - mạnh dạn đổi mới, tự tin hội nhập, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường giao dịch thương mại điện tử, xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới. Đồng thời, xây dựng người nông dân Việt Nam văn minh, phát triển toàn diện; phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Trước thềm Đại hội, giữa tuần qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết "Về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới". Theo đó, kỳ Đại hội này sẽ có tới 7/16 chỉ tiêu mới so với nhiệm kỳ trước (thành lập chi tổ hội nông dân nghề nghiệp; đào tạo bồi dưỡng nghề cho hội viên; thành lập tài khoản trên sàn thương mại điện tử cho hộ nông dân; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã)…
Vậy Hội Nông dân Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để hoàn thành những chỉ tiêu này trong bối cảnh khó khăn hiện nay? cùng nhiều câu hỏi đáng quan tâm khác sẽ có trong cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam trong chương trình Vấn đề hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!