Sau những ngày mưa lũ kéo dài, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh. Song song với công tác khắc phục thiệt hại sau lũ, người dân Hà Tĩnh đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Lực lượng y tế khử khuẩn giếng nước cho người dân. Ảnh: TTXVN
Sau lũ, côn trùng, sâu bọ và cả rắn rết bò khắp Trường mầm non Tùng Châu, huyện Đức Thọ. Lo sợ các loài động vật sẽ gây hại cho các em học sinh, các giáo viên cùng lực lượng Bộ chỉ huy quân sự huyện Đức Thọ đã tập trung tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các lớp học.
Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng được tập trung triển khai tại các trường học, trạm y tế nhằm giúp các em học sinh sớm trở lại lớp học và kịp thời thăm khám chữa bệnh cho nhân dân sau lũ.
Hiện trên địa bàn huyện Đức Thọ có 11 xã với hàng chục điểm trường bị ngập sâu trong lũ. Ngoài việc dọn dẹp môi trường xung quanh, các giáo viên đã sử dụng dung dịch Cloramin B để lau dọn lớp học, vệ sinh dụng cụ học tập, đồ chơi cho trẻ, đồng thời phun thuốc diệt côn trùng nhằm ngăn ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết, kiến ba khoang và tiêu chảy sau lũ.
Nước ngập sâu nhiều ngày là môi trường tiềm ẩn dịch bệnh. Ảnh: TTXVN
Với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các lực lượng Bộ chỉ huy quân sự, công an, bộ đội biên phòng nên đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có trên 60.000 hộ gia đình tại 116 xã, 40 trạm y tế, 153 trường học được tổng dọn vệ sinh môi trường sạch sẽ sau lũ.
Hiện nước lũ vẫn chưa rút hết, các ao tù nước đọng tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản. Cùng với đó, một số xác động vật chết trôi nổi sau lũ sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Do đó, công tác dọn dẹp vệ sinh cần được các địa phương tiếp tục triển khai rộng rãi hơn trong thời gian tới.
Chưa kịp hồi sức sau những ngày chạy lũ, người dân nơi đây lại tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm, một khối lượng công việc rất lớn và khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!