Sau bão số 3, nhiều vùng biển phía bắc vẫn còn ngập rác. Bờ biển miền Trung cũng trong tình cảnh tương tự sau bão số 4. Việc phân loại, thu gom xử lý rác trên biển và ven biển sau bão đang là một vấn đề lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sản xuất của bà con vùng biển và cả ngành du lịch. Cần có giải pháp để xử lý vấn đề môi trường biển trước mắt và lâu dài, giảm thiểu rủi ro thiên tai trên biển, vùng ven biển và đảm bảo sinh kế của người dân một cách bền vững hơn.
Môi trường biển nước ta đang ở mức báo động đỏ, khoảng 80 % lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa trong quá trình xả thải của hoạt động sản xuất và sinh hoạt cùng với rác thải từ các hoạt động du lịch. Sau đợt mưa bão, từ đầu tháng 9 tới nay, vấn đề ô nhiễm môi trường biển lại càng phức tạp và nghiêm trọng hơn với những loại rác mới phát sinh mà hơn 3 tuần sau bão vẫn chưa thể khắc phục được.
Sau cơn bão số 3, lượng rác thải lớn trôi dạt vào vịnh Cát Bà, Hải Phòng
‘Bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp vào 2 tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh, để lại hậu quả nặng nề. Tại các tỉnh miền núi phía trong đất liền, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận, hoàn lưu bão cũng gây ảnh hưởng rất lớn. Sau khi hoàn lưu bão đi qua, nước rút khiến lượng lớn rác từ phía trên đất liền qua hệ thống kênh, sông, rạch đưa ra biển", ông Lê Đại Thắng, Phó Trưởng phòng Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết.
Ông Lê Đại Thắng, Phó Trưởng phòng Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo, Cục Biển và Hải Đảo Việt Nam cho biết về công tác thu gom rác thải do ảnh hưởng của cơn bão số 3
Cũng theo ông Thắng, hàng ngày, việc xử lý lượng rác thải sinh hoạt đã là một thách thức lớn, khả năng thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt vẫn chưa đạt 100%. Hơn nữa, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, khối lượng rác tăng lên đáng kể, tạo ra áp lực rất lớn đối với năng thực thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
Lượng lớn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị vỡ, trôi dạt từ khu vực ven bờ vào vịnh Hạ Long
"Trước mắt, chúng ta nên tập trung vào công tác thu gom rác để đảm bảo cảnh quan. Thu gom rác ngoài biển không dễ như ở đất liền, bởi ngoài biển có các phương tiện tàu, thuyền, địa hình hiểm trở,… Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các địa phương cũng đã rất tích cực và các bộ, ngành, các cơ quan liên quan cũng đã triển khai rất nhiều biện pháp để thu gom trước mắt. Đặc biệt, ở vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ cũng đã thu gom được khá nhiều rác, trả lại vẻ đẹp cho cảnh quan", ông Thắng đề xuất.
Theo ông Thắng đánh giá, đa số rác thải trên biển là rác vô cơ, ví dụ như gỗ, phao xốp,… không phải là loại có chất độc hay nguy hiểm, nên cũng không để lại hậu quả đáng ngại liên quan đến khủng hoảng ô nhiễm môi trường biển.
Không chỉ là sau bão, công tác bảo vệ môi trường biển, hải đảo nhìn chung cũng gặp nhiều khó khăn và nhiều vấn đề cần phải quan tâm, giải quyết. Do đó, ngày 26/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước tài nguyên bảo vệ môi trường biển và hải đảo với sự tham gia của Sở Tài nguyên và Môi trường của 28 tỉnh, thành phố có biển. Vấn đề đặt ra là suy thái cảnh quan hệ sinh thái biển và ven biển, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường biển, vùng biển ven bờ có dấu hiệu gia tăng, ngày càng có nhiều các tác động tiêu cực do thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các hiện tượng khí hậu cực đoan. Ngoài ra, nguồn nhân lực và tài chính đầu tư cho lĩnh vực biển, hải đảo từ trung ương đến địa phương còn hạn chế, bất cập trong khai thác sử dụng tài nguyên không gian biển giữa các ngành các bên có liên quan. Một trong những biện pháp được đưa ra là đổi mới phương thức quản lý tài nguyên bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phương thức quản lý chuyển từ bị động sang chủ động từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Bộ Tài nguyên và môi trường đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước tài nguyên bảo vệ môi trường biển và hải đảo vào ngày 26/9
"Hội nghị diễn ra trong cái bối cảnh bão số 3, bão số 4 đã làm tăng thêm áp lực cho vấn đề môi trường biển ở Việt Nam. Tại hội nghị, những vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường biển xuất phát ở rất nhiều yêu cầu và thực tế như: vấn đề đầu tư về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, đầu tư về vật chất, trang thiết bị, nhân lực. Hiện nay, phía Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực thi chấp pháp trên biển và có quy chế phối hợp rõ ràng, hoạt động tích cực. Hàng năm, chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để đạt được những nội dung này", ông Thắng cho biết thêm.
Ở khu vực ven biển là nơi đang phải chịu nhiều tác động do rác thải, trong đó tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và ven bờ biển đang có xu hướng gia tăng đáng báo động ở Việt Nam. Theo báo cáo của ngân hàng thế giới vào cuối tháng 7 vừa qua, tại Việt Nam, chất thải nhựa chiếm tới 94 % tổng lượng rác thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông, ven biển, trong đó 60 % các loại rác thải là nhựa dùng một lần.
Tại Việt nam, chất thải nhựa chiếm 94 % tổng lượng rác thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông, ven biển
"Biện pháp lâu dài để đối mặt với lượng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa trên biển là bài toán rất khó và phức tạp, đòi hỏi sự tham gia, tích cực của tất cả các bên liên quan. Nội dung này đã được tích hợp và xây dựng, đưa vào trong quy hoạch không gian biển quốc gia. Quy hoạch quản lý và khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đang được xây dựng và được trình để thẩm định, thông qua. Khi triển khai thực hiện tốt quy hoạch này rồi, có thể hạn chế được tất cả rủi ro của các cộng đồng dễ bị tổn thương. Khi xảy ra vấn đề sự cố, yếu tố bất lợi như cơn bão vừa rồi, cũng hạn chế được hậu quả. Thứ hai, khi có quy hoạch, thuận lợi trong việc xử lý và đem lại hiệu quả tốt hơn, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực", ông Thắng bày tỏ.
Theo ông Thắng cho biết, những vùng liên quan đến vùng bè ở khu vực hiện đang bị ảnh hưởng của nước biển xâm thực, xói lở, những khu vực liên quan đến hệ đa dạng sinh học nhiều, lớn, khu bảo tồn, khu dân cư, khu đô thị ven biển là những nơi cần được quan tâm để hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ảnh hưởng môi trường.
Ô nhiễm môi trường biển là tác nhân hàng đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đe dọa hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản. Từ đó, tác động đến sinh kế của hàng triệu ngư dân Việt Nam. Thực trạng ô nhiễm môi trường biển còn là thách thức trong triển khai chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Điều quan trọng là phải biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể thiết thực ở mỗi cấp mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân. Như vậy, chúng ta mới giữ gìn và bảo vệ được môi trường biển, nguồn sống và không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!