Nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, vườn quốc gia Xuân Sơn là nơi duy nhất trên cả nước có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với hệ động thực vật phong phú. Thế nhưng thời gian gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số đối tượng đã ngang nhiên chặt phá một diện tích lớn gỗ rừng nằm ngay trong vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia. Sự việc xảy ra tại xã Kim Thượng đã để lộ ra những lỗ hổng trong công tác bảo vệ rừng tại địa phương này.
Hàng loạt cây gỗ lớn nhỏ bị chặt hạ nằm chỏng chơ khắp nơi, hầu hết số gỗ này vẫn nằm nguyên tại hiện trường. Theo thống kê của hạt kiểm lâm Xuân Đài, có 44 cây gỗ trong khu vực bị chặt phá, trong đó nhiều cây có đường kính lớn hơn 45cm. Thường xuyên lấy củi tại khu vực xóm Hạ Bằng, một người phụ nữ cho biết khu rừng này bị người dân trong xóm chặt phá vào dịp Tết vừa qua.
Hàng loạt cây gỗ lớn nhỏ bị chặt hạ nằm chỏng chơ khắp nơi
Dù khu vực bị chặt phá nằm ngay cạnh nhà dân, trường học và trạm bảo vệ rừng, thế nhưng đáng ngạc nhiên chỉ đến khi đã chặt hạ gần hết những cây gỗ lớn, sự việc mới được lực lượng kiểm lâm phát hiện. Đối tượng phá rừng được xác định là một người dân trong xã.
Khác với các đối tượng lâm tặc phá rừng để lấy gỗ, ở đây người dân phá rừng để lấy đất canh tác. Những cây gỗ lớn nếu để nguyên trên rừng sẽ không ra tiền nhưng nếu chặt đi, lấy đất trồng cây lâm nghiệp ngắn ngày sẽ thu được một khoản tiền không nhỏ. Bởi thế, nhiều người sẵn sàng vi phạm pháp luật để được phạt trồng lại rừng.
Sau khi sự việc xảy ra, đã có hàng loạt cán bộ của vườn quốc gia Xuân Sơn bị xử lý kỷ luật, nhẹ thì kiểm điểm, khiển trách, nặng thì cho nghỉ việc, thế nhưng đối tượng gây ra vụ phá rừng lại chưa có hình thức xử phạt nào. Thế nên, việc chuyển đổi rừng tự nhiên thành rừng trồng vẫn diễn ra ngang nhiên ngay trong vùng lõi của vườn quốc gia.
Bên dưới những cánh rừng tự nhiên vừa mới bị chặt hạ, người ta đã kịp đào xong hàng trăm hố đất để trồng cây. Một vài ngày nữa sẽ trồng xuống đây những loại cây lâm nghiệp ngắn ngày như keo, mỡ, bồ đề và thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ và để đánh đổi, người ta sẵn sàng chặt hạ cả cánh rừng hàng chục năm tuổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!