Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra chiều 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Các bộ, ngành trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia phải thực hiện thần tốc và hiệu quả chiến lược vaccine. Đây là chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ khi dịch bệnh bùng phát đợt 4.
Trước tình hình dịch bệnh sắp tới được dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường, trong các cuộc họp gần đây, Thủ tướng yêu cầu, phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, thích ứng với tình hình mới, diễn biến mới bằng các giải pháp phù hợp, hiệu quả, chủ động tấn công trong phòng chống dịch. Trong đó, vaccine phòng COVID-19 là giải pháp căn cơ.
Ngày 18/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vaccine một cách nhanh nhất. Nghị quyết nêu rõ đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.
Thủ tướng cũng yêu cầu đề xuất cơ chế đóng góp và sử dụng Quỹ vaccine bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, huy động đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các nhà hảo tâm. Triệt để tiết kiệm chi tiêu để bảo đảm ngân sách tối đa cho việc mua vaccine, vừa bảo đảm các hoạt động bình thường, vừa phục vụ các hoạt động đặc biệt, đột xuất.
Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với Covax Facility - một cơ chế chia sẻ vaccine cho toàn cầu và đăng ký với Covax để mua thêm vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Mục tiêu của Bộ Y tế là đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Các nhà khoa học cho biết. phải có đến 85-95% người được tiêm chủng thì mới sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Vì vậy, muốn an toàn thì người dân phải được tiêm chủng ở phạm vi rộng nhất có thể. Tại Việt Nam, hiện mới có chưa đến 1% dân số được tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 nhưng đây đã là một nỗ lực rất lớn.
Tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam
Tính đến nay, Việt Nam đã nhận 3 đợt nhận vaccine, 2 trong số đó là theo cơ chế Covax Facility của LHQ.
Ngày 24/2 lô vaccine đầu tiên gồm 117.600 liều vaccine AstraZeneca về đến Việt Nam. Lô vaccine nằm trong hợp đồng 30 triệu liều, AstraZeneca đã ký với Bộ Y tế và cung cấp thông qua Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Ngày 1/4, hơn 811.000 liều vaccine phòng COVID-19 của đợt 2 theo cơ chế Covax Facillity về đến Việt Nam
Ngày 16/5, Việt Nam nhận thêm gần 1,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca đợt 2 do Covax tài trợ. Vaccine được sản xuất tại Ý.
Tính đến 21/5, đã có hơn 1 triệu liều vaccine được tiêm an toàn. Trước mắt, vaccine được ưu tiên tiêm cho những người thuộc lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân cả nước hoàn toàn đồng tình với chiến lược nhân văn này. Còn đối với những người thuộc lực lượng chống dịch, việc tiêm vaccine không chỉ là lá chắn sức khỏe mà còn là lá chắn tinh thần.
Vaccine Nano Covax được phép thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3
Bên cạnh những nguồn vaccine nhập khẩu, chúng ta có thể trông chờ vào những đơn vị sản xuất vaccine trong nước. Việt Nam là một trong số ít quốc gia cùng lúc có 3 đơn vị phát triển vaccine COVID-19. Vaccine của một trong 3 đơn vị này vừa được cho phép thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vào tuần sau.
Quyết định cho phép thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nano Covax được đưa ra trong cuộc họp của Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế. Việc thử nghiệm sẽ được thực hiện với khoảng 13.000 tình nguyện viên, chia thành nhiều giai đoạn nhỏ, trước mắt sẽ tiêm cho 800 tình nguyện viên đã đăng ký, sau đó sẽ tiếp tục tuyển thêm. Sau 42 ngày tiêm thử nghiệm sẽ đánh giá, nếu kết quả an toàn và tính sinh miễn dịch tốt sẽ đề nghị cấp phép cho vaccine đối với tình trạng khẩn cấp để tiêm cho vùng có dịch.
Kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy, vaccine đảm bảo độ an toàn, có khả năng sinh miễn dịch và trung hòa chủng virus được phát hiện lần đầu tại Vũ Hán và tại Anh.
Những liều vaccine nhận về đã được ưu tiên cho tuyến đầu và tới đây khi vaccine nhận về nhiều hơn và vaccine sản xuất trong nước được đưa vào sử dụng, mọi tầng lớp nhân dân sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tiêm mũi 2, đợt 2 thử nghiệm vaccine Nano Covax phòng COVID-19
Tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine tại Việt Nam tương đồng với thế giới
Nghiên cứu của chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia trên 1.000 người đã được tiêm vaccine AstraZeneca cho thấy, tỷ lệ phản ứng thông thường như: sưng đỏ, sốt, mẩn ngứa được ghi nhận từ 18% đến 30% tùy từng địa phương. Một số phản ứng bất thường như sốc phản vệ ở mức độ vừa và nặng cũng đã được ghi nhận, trong đó có một trường hợp tử vong.
Theo các chuyên gia, điều này tương tự như số liệu tại những quốc gia triển khai tiêm vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo, người tiêm vaccine vẫn có thể bị dương tính với SARS-CoV-2 vì sau tiêm chưa sinh ra kháng thể và hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine này cao nhất là 90%.
Về khả năng sinh kháng thể, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, sau 12-15 ngày tiêm mũi thứ nhất, người tiêm sẽ bắt đầu có kháng thể phòng COVID-19
Liên quan đến khả năng bảo vệ của các loại vaccine phòng COVID-19 đang được lưu hành, Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định do thời gian tiêm mới được 6 tháng nên chưa có thời gian thẩm định.
Không vaccine AstraZeneca nào đạt hiệu quả 100%. Chính vì vậy, thông điệp của Chính phủ trong thời gian gần đây vẫn là phải thực hiện khuyến cáo 5K và vaccine mới có thể chiến thắng dịch bệnh. Sự đồng lòng của người dân là vô cùng cần thiết, song hành với những biện pháp của Chính phủ nhằm triển khai nhanh nhất có thể việc tiêm chủng trên diện rộng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!