Một trong những nhiệm vụ ưu tiên lúc này của các cơ sở y tế, bệnh viện là sẵn sàng các giải pháp đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng và giảm thiểu tử vong do dịch COVID-19.
Hiện Bệnh viện hồi sức COVID-19 đang điều trị khoảng 60 ca nguy kịch và gần 100 ca nặng. Theo thiết kế, bệnh viện có 340 bác sĩ và hơn 1.000 điều dưỡng cùng lực lượng hỗ trợ là hơn 500 nhân viên.
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 - Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là tuyến cuối cùng trong điều trị COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh
Với cách phân chia này, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 - Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là tuyến cuối cùng trong điều trị COVID-19. Để không tạo áp lực cho khối điều trị, TP Hồ Chí MInh đã có cách làm riêng. Đó là chia khối điều trị thành 4 tầng thay vì mô hình 3 tầng chung theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đi từ bệnh nhân nhẹ, không có dấu hiệu đến bệnh nhân nặng, phải hỗ trợ thở máy. Nhờ vậy, khi có dấu hiệu chuyển nặng, bệnh nhân sẽ được chuyển viện lên tuyến cuối, tập trung đội ngũ chuyên gia, bác sĩ tinh nhuệ cứu chữa, giảm thiểu thấp nhất ca tử vong. Tuy nhiên, với số ca tăng nhanh mỗi ngày như hiện nay, áp lực điều trị bệnh nhân nặng tại TP Hồ Chí Minh đang ngày một cao.
Ngoài nguồn nhân sự có sẵn của TP Hồ Chí Minh, hàng trăm y bác sĩ từ Thái Nguyên, Phú Thọ, Hải Phòng đã được tăng cường cho TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm này là hơn 4.000. Bên cạnh nỗi lo về thiếu thốn trang thiết bị, điều lo lắng nhất là làm sao tận dụng được hiệu quả nhất đội ngũ tinh nhuệ này, đồng thời sẽ có những hội chẩn trực tuyến cho từng ca bệnh khó với đội ngũ các chuyên gia đầu ngành; có như vậy, mới mang lại điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân, giảm tỷ lệ tử vong đang tăng tại TP Hồ Chí Minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!