Phân loại rác hàng ngày giờ đã trở thành thói quen của nhiều hộ dân ở Phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Không chỉ phân loại đơn thuần, những hộ dân ở đây còn phân loại đảm bảo theo 2 tiêu chí sạch và khô để công nhân vệ sinh môi trường đưa đi tái chế. Rác thải nhựa sau khi được thu gom sẽ được đem đến nhà máy tái chế và sản xuất, trở thành những sản phẩm mới.
Thói quen này là kết quả của những lớp tập huấn quản lý rác thải nhựa giúp người dân phân biệt được rác thải giá trị thấp, và rác thải giá trị cao phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội qua nhiều kênh truyền thông phong phú như hướng dẫn tại nhà, phát tờ rơi, lập các nhóm Zalo nhằm nâng cao nhận thức hành động, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa, túi ni lông để thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, giai đoạn 1 dự án Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa giá trị thấp tại Quận Hoàn Kiếm trong năm 2022 đã có 8.000 hộ dân nhận được hướng dẫn phân loại rác nhựa giá trị thấp tại nguồn; 7.000 hộ dân đã trực tiếp tham gia phân loại rác tại nguồn... Lượng rác nhựa giá trị thấp thu gom được từ 6 phường là 16 tấn (trung bình khoảng 170 kg/ngày). Tiếp nối những thành công đã đạt được, dự án này đang tiếp tục được triển khai giai đoạn 2 năm 2023. Thông qua những mô hình như vậy, phân loại rác tại nguồn đang dần trở thành ý thức của các hộ gia đình trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Không chỉ các địa phương,cơ quan, hội đoàn thể, hộ gia đình vào cuộc tích cực trong phân loại rác tại nguồn, hiện, nhiều doanh nghiệp, nhất là các siêu thị, các nhà máy sản xuất công nghiệp cũng đang chung tay thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với môi trường, vì sự phát triển bền vững.
Một trong những điểm sáng của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đó là quy định: phân loại rác là yêu cầu bắt buộc. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng để thay đổi hành vi, thói quen, Bộ TN&MT cũng đang đẩy nhanh quá trình xây dựng dự thảo để ban hành các Thông tư về kỹ thuật phân loại chất thải sinh hoạt.
Những thay đổi trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp, từ quy mô nhỏ sẽ lan tỏa thành quy mô lớn. Khi có các thông tư quy định chi tiết, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức tiếp tục được đẩy mạnh, thì mọi người dân, mọi hộ gia đình sẽ thực hiện tốt các quy định về phân loại rác trong Luật bảo vệ môi trường 2020. Phân loại rác sẽ không mang tính chất phong trào mà trở thành ý thức, thói quen văn minh của cả xã hội. Vì một Việt Nam xanh, tương lai xanh!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!