Tàu cá của ngư dân Quảng Trị vào neo đậu tránh trú bão ở khu neo đậu Nam Cửa Việt. Ảnh minh họa: Nguyên Lý-TTXVN
Chiều 24/9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị cho biết, tất cả chủ của 2.397 tàu thuyền với 6.569 thuyền viên trên địa bàn tỉnh đều đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão số 4 (NORU) để phòng tránh.
Trong tổng số 2.397 tàu thuyền, có 2.386 chiếc với 6.471 thuyền viên đã neo đậu an toàn tại các bến và khu neo đậu; còn lại 11 chiếc với 98 thuyền viên đang hoạt động trên biển.
Tỉnh có 126 hồ đập với tổng dung tích trên 260 triệu mét khối nước. Hiện tổng dung tích bình quân của các hồ chứa mới đạt trên 45%.
Ban Chỉ huy phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã ra Công điện triển khai ứng phó với bão. Cơ quan này yêu cầu:
- Các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão Noru, mưa lũ, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm đếm theo dõi tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
- Kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến, bảo đảm an toàn trật tự.
Ngư dân Quảng Trị thu dọn lưới để vận chuyển lên bờ đảm bảo an toàn khi có bão. Ảnh minh họa: Nguyên Lý-TTXVN
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý tình huống có thể xảy ra.
- Triển khai công tác bảo đảm an toàn về người, tài sản ở huyện đảo Cồn Cỏ, lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy sản, hoạt động vận tải, hoạt động du lịch ở vùng ven biển.
- Khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, khu công nghiệp; cắt tỉa cây xanh; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh.
- Đảm bảo an toàn hệ thống thông tin liên lạc; chú ý các điều kiện an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích khi gia cố nhà ở, các công trình.
- Kiểm tra các địa điểm sơ tán dân tránh bão để sẵn sàng sơ tán khi có lệnh.
- Đảm bảo an toàn các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt.
- Khẩn trương thu hoạch hoa màu, đối tượng nuôi trồng thủy sản.
- Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa.
- Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông khu vực ngập sâu, sạt lở đất.
- Sẵn sàng vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn giao thông thông suốt; kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở vùng dễ bị cô lập, chia cắt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!