Phát hành đặc biệt bộ tem phát hành chung Việt Nam - Cuba

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 02/12/2020 17:22 GMT+7

Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và bà Lianys Torres Rivera, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam ký phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Tem phát hành chung Việt Nam - Cuba”

VTV.vn - Bộ tem phát hành chung Việt Nam - Cuba gồm 2 mẫu tem giới thiệu Di sản văn hóa thế giới là Lâu đài Santo Domingo de Atarés (Cuba) và Hoàng thành Thăng Long (Việt Nam).

Quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Cuba do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro đặt nền móng mãi là biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí, anh em. Ngày nay mối quan hệ này không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực.

Nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử và văn hóa của hai dân tộc, ngày 2/12/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phối hợp với Bộ Truyền thông Cuba phát hành bộ tem bưu chính "Tem phát hành chung Việt Nam - Cuba" gồm 2 mẫu với giá mặt 4.000 đồng và 10.000 đồng giới thiệu Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, gồm: Lâu đài Santo Domingo de Atarés (Cuba) và Hoàng thành Thăng Long (Việt Nam).

Tại sự kiện, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và bà Lianys Torres Rivera, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam đã thực hiện nghi thức ký phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính "Tem phát hành chung Việt Nam - Cuba".

Cũng nhân dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông có quà lưu niệm là bức tranh tem tặng Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam.

Phát hành đặc biệt bộ tem phát hành chung Việt Nam - Cuba - Ảnh 1.

Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và bà Lianys Torres Rivera, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam ký lưu niệm trên 2 bức tranh tem.

Hình tượng chính của bộ tem là bức tranh vẽ nét trực họa cổng chính Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tọa lạc trên đường Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội và Lâu đài Santo Domingo de Atarés, La Habana, Cuba. Hai mẫu tem được thể hiện góc nghiêng 3/4 trong nghệ thuật tạo hình và kiến trúc, miêu tả được vẻ đẹp cổ kính và uy nghiêm của các công trình nổi tiếng, biểu tượng lịch sử và văn hóa của Việt Nam và Cuba.

Phát hành đặc biệt bộ tem phát hành chung Việt Nam - Cuba - Ảnh 2.

Mẫu 2-1: Lâu đài Santo Domingo de Atarés

Sau 11 tháng Havana bị chiếm giữ bởi người Anh, người Tây Ban Nha đã giành lại thành phố này và quyết định xây dựng nó trở thành một đô thị bất khả xâm phạm, bắt đầu bằng việc xây dựng Pháo đài La Cabana ở vùng phía đông vịnh nhỏ Havana. Pháo đài này cùng hai lâu đài khác, trong đó có Lâu đài Santo Domingo de Atarés, đã tạo thành hệ thống tam giác phòng thủ của thành phố.

Lâu đài Santo Domingo de Atarés được xây dựng vào năm 1767 trở thành một phần của hệ thống phòng thủ chống thuộc địa lần thứ 2 ở Havana. Lâu đài có hình dạng gần giống với một hình lục giác không đều, không có pháo đài và quây xung quanh đỉnh là các hộp lính canh hình lục giác. Từ khi được xây dựng, lâu đài đã trở thành một pháo đài quân sự, trụ sở chính của lực lượng bảo vệ tổng thống, nhà tù và căn cứ quân sự. Mặc dù được sử dụng như một pháo đài quân sự trong thời gian thuộc địa, lâu đài chưa từng tham gia vào một cuộc chiến nào. Khi nước Cộng hòa Cuba được thành lập, lâu đài tiếp tục được sử dụng với chức năng quân sự và trụ sở chính của đội bảo vệ Tổng thống cũng được đặt tại đây.

Havana cổ và hệ thống pháo đài của thành phố, La Habana, Cu Ba được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1982).

Phát hành đặc biệt bộ tem phát hành chung Việt Nam - Cuba - Ảnh 3.

Mẫu 2-2: Hoàng thành Thăng Long

Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều Lý. Tháng 7 mùa thu năm 1010, nhà vua công bố thiên đô chiếu (chiếu dời đô) để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La. Ngay sau khi dời đô, Lý Công Uẩn đã cho gấp rút xây dựng Kinh thành Thăng Long, và hoàn thành vào đầu năm 1011. Trong lịch sử, Hoàng thành Thăng Long trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Chỉ có kiến trúc bên trong là đã qua nhiều lần trùng tu, xây dựng. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật nằm chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử. Các di tích đó có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp nhưng phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về qui hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long. Đó chính là giá trị nổi bật và độc đáo của khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Ngày 31/7/2010 tại thủ đô Brasilia của Brazil, Ủy ban di sản thế giới của UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di sản văn hóa thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước